Gemadept rậm rịch bán thêm cảng Nam Hải, cổ phiếu GMD có cơ hội phá đỉnh lịch sử?
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE: GMD) đã có nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải, gây xôn xao giới đầu tư.
Được biết, Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải là chủ đầu tư của cảng Nam Hải cùng tên. Đây cũng là dấu ấn đầu tiên của Gemadept trong chiến lược "Bắc tiến", đẩy mạnh phát triển mạng lưới khai thác cảng ra thị trường miền Bắc từ những năm 2000.
Cảng Nam Hải được Gemadept đầu tư, triển khai xây dựng trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu năm 2008, chính thức đi vào khai thác sau đó một năm |
Cảng Nam Hải được Gemadept đầu tư, triển khai xây dựng trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu năm 2008, chính thức đi vào khai thác sau đó một năm. Động thái bất ngờ rao bán cảng biển quan trọng tại Hải Phòng của Gemadept khiến nhiều người không khỏi tò mò, bàn tán.
Hiện, Công ty Cảng Nam Hải có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Gemadept sở hữu 99,98% cổ phần. Theo quyết định của Hội đồng quản trị, Gemadept sẽ bán ra toàn bộ lượng cổ phần đang nắm giữ tại Cảng Nam Hải, với giá trị giao dịch chưa được công bố.
Sau khi thông qua chủ trương chuyển nhượng, bước tiếp theo, Gemadept cần chờ đợi sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tổng giám đốc là người được ủy quyền tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan, lựa chọn các đối tác có nhu cầu và quyết định thời điểm cụ thể để chuyển nhượng cổ phần.
Lãi to nhờ bán cảng
Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, Gemadept cũng đã hoàn tất giao dịch thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ, một dự án cảng trọng điểm khác của tập đoàn tại Hải Phòng có vị trí nằm cách không xa cảng Nam Hải đang rậm rịch được rao bán.
Sau 9 năm đưa vào vận hành, khai thác cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept đã nhận về hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho thương vụ đình đám này.
Gemadept cho biết sẽ sử dụng nguồn tiền thu được từ giao dịch chuyển nhượng để góp vốn cho các dự án đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2024 (cảng Gemalink giai đoạn 2, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3) một số dự án M&A để phát triển hệ sinh thái Cảng - Logistics và cơ cấu lại một số khoản nợ có lãi suất cao để tối ưu hóa dòng tiền và chi phí.
Bên mua của Gemadept là nhóm doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực khai thác cảng, bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship, HOSE: VSC) và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy, Công ty TNHH Thương mại kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng - hai đơn vị liên hệ tích cực đến hệ sinh thái Tập đoàn T&D.
Khoản lãi từ bán cảng đưa lợi nhuận 9 tháng của Gemadept tăng vụt, bất chấp doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2.812 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam tăng 145% lên 2.310 tỷ đồng, sau 3 quý đầu năm 2023.
Trong đó, công lao lớn nhất thuộc về khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.844 tỷ đồng (sau khi trừ các chi phí liên quan) từ việc chuyển nhượng 84,66% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ trong quý II như đã đề cập.
Năm nay, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng. Với kết quả như trên, doanh nghiệp đã thực hiện được 72% doanh thu và vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận dù còn một quý phía trước.
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, nhà đầu tư đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt cho cổ phiếu GMD. Cổ phiếu này chứng kiến đà tăng bền bỉ trong giai đoạn từ tháng 8 đến nay, vượt xa mức tăng của chỉ số VN-Index.
Giữa tháng 10 qua, cổ phiếu GMD lập kỷ lục trong 22 năm niêm yết khi đóng cửa ở ngưỡng 67.000 đồng/cp, đạt thành tích cao chưa từng có, là số hiếm cổ phiếu tăng trưởng cao bất chấp thị trường chứng khoán sụt giảm.
Tham chiếu từ thương vụ bán cảng Nam Hải Đình Vũ, nhiều nhà đầu tư bày tỏ hy vọng rằng cảng Nam Hải với nhiều điểm tương đồng, sẽ mang tới cơ hội tiếp tục phá đỉnh cho cổ phiếu GMD trong tương lai không xa.