Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 1/2: SZC, ACB và QTP
Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 26/1: IDC, HSG và BMP Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 30/1: PNJ, MIG và VHM Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 31/1: NTP, TCB và BAF |
Khuyến nghị cổ phiếu SZC - Trung lập
Quý IV/2023, Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) ghi nhận 256 tỷ đồng doanh thu (tăng 31% so với cùng kỳ năm trước) và 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 49% so với cùng kỳ). Kết quả này phù hợp với dự báo của SSI Research.
Trong quý, doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp đóng góp đến 223 tỷ đồng (tăng 96% so với cùng kỳ), chủ yếu từ phần còn lại trong 15ha cho Tập đoàn Sonadezi (sở hữu 46,8% cổ phần của SZC) thuê với giá 72 USD/m2 và 6,5ha cho Công ty Cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) thuê với giá 82 USD/m2.
Trên thị trường, cổ phiếu SZC của Sonadezi Châu Đức đang giao dịch ở mức P/E và P/B năm 2023 lần lượt là 26,5 lần và 2,3 lần, cao hơn mức trung bình ngành là 13,8 lần và 2,08 lần, theo số liệu từ SSI Research |
Với giá cho thuê bình quân tăng lên, biên lợi nhuận gộp quý IV/2023 cộng thêm 2 điểm phần trăm và đạt mức 56%. Ngoài ra, quý IV/2023 cũng ghi nhận 17,5 tỷ đồng doanh thu từ bán shophouse tại Khu đô thị Sonadezi Hữu Phước (giảm 74% so với cùng kỳ).
Diễn biến cùng chiều với doanh thu tăng mạnh, chi phí quản lý và bán hàng của SZC cũng tăng 47% so với quý IV/2022, chủ yếu từ tăng chi phí lương quản lý.
Lũy kế năm 2023, tổng doanh thu của SZC đạt 818 tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 218,8 tỷ đồng (tăng trưởng 10%). Trong năm 2023, chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng của SZC đạt 2.400 tỷ đồng (tăng 7% so với đầu năm), chiếm 34% tổng tài sản doanh nghiệp.
Trong đó, khoản nợ ngắn hạn và dài hạn dùng cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng khu công nghiệp và đô thị Châu Đức là 2.600 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên 1,53 lần vào cuối quý IV.
Để cân bằng lại cán cân vay nợ, SZC đã phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 vào ngày 5/1/2024 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới), với là 20.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, tổng vốn doanh nghiệp tăng thêm là 1.199 tỷ đồng, với mục đích: bổ sung vốn đầu tư cho khu công nghiệp và khu đô thị Châu Đức; cơ cấu lại nợ.
Năm 2024, SSI Research ước tính SZC sẽ đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu (tăng 27% so với năm trước) và 268 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 18%).
Trên thị trường, cổ phiếu SZC đang giao dịch ở mức P/E và P/B năm 2023 lần lượt là 26,5 lần và 2,3 lần, cao hơn mức trung bình ngành là 13,8 lần và 2,08 lần, theo số liệu từ SSI Research.
Vì vậy, chuyên gia hiện có khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu SZC, đi kèm giá mục tiêu 1 năm là 37.600 đồng/cp (giảm 9% so với giá hiện tại). Trong dài hạn, SZC có triển vọng dựa trên hơn 300ha đất cho thuê tại Bà Rịa - Vũng Tàu và được hưởng lợi từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thông qua đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng Cái Mép và Gemalink.
Các dự án này giúp mang lại lợi nhuận cho SZC thông qua khu công nghiệp và khu đô thị Châu Đức. Ở chiều đối lập, khó khăn trong xử lý và giá đền bù và giải phóng mặt bằng quá cao, trong khi các vấn đề pháp lý trong Khu đô thị Châu Đức dẫn đến việc dự án chậm tiến độ, là những rủi ro nhà đầu tư có thể phải đối mặt.
Khuyến nghị cổ phiếu ACB - Tăng tỷ trọng
Năm 2023, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) đã hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở Đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng đạt 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 20.000 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế vượt 16.000 tỷ đồng), hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận năm, và tăng trưởng 17,3% so với năm 2022.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của ACB đạt 1,21% thuộc nhóm thấp nhất ngành.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, ACB đang tiếp tục góp mặt trong nhóm các ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất. Đây là ngân hàng đầu tiên hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, ACB đã hoàn thành phần lớn các nội dung có tính phức tạp cao trong yêu cầu về quản trị IRRBB theo Basel III và đang đặt mục tiêu liên tục cải tiến để duy trì vị thế ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường.
Tới cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II của ACB vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12,1%.
Một điểm MASVN ưa thích ACB là bởi tính tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản (LDR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt mức 78% (dưới mức 85% so với quy định), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 30%).
Với quan điểm nắm giữ, MASVN kỳ vọng năm 2024 ACB có thể sẽ hướng đến mức P/B trung bình 5 năm là 1,6 lần, tương ứng với mức giá 31.500 đồng/cổ phiếu (giá trị sổ sách cuối 2024 dự báo đạt 22.532 đồng/cp).
Tuy nhiên với quan điểm trong 6 tháng tới, nhóm phân tích cho rằng giá ACB sẽ phản ánh kết quả kinh doanh năm 2023 nhiều hơn, theo đó với mức P/B mục tiêu 1,6 lần và giá trị sổ sách năm 2023 là 18.268 đồng/cp, giá mục tiêu của ACB sẽ ở mức 29.200 đồng/cp, cao hơn khoảng 14% thị giá hiện tại.
Khuyến nghị cổ phiếu QTP - Chờ mua
Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) khuyến nghị chờ mua cho cổ đông QTP của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
TCBS cho rằng, chi phí nguyên liệu ở mức cao trong năm 2023 sẽ khiến lợi nhuận sau thuế của QTP giảm 20% trong năm xuống còn 614 tỷ đồng. Năm 2024, việc xác suất xảy ra El Nino ở mức cao kỳ vọng sẽ khiến sản lượng điện huy động từ các nhà máy nhiệt điện tăng, tác động tích cực đến doanh thu QTP.
Ngoài ra, do đã gần như hoàn thành trả nợ dài hạn xây dựng nhà máy, lợi nhuận sau thuế của QTP sẽ được cải thiện đáng kể, cùng với đó là mức chi trả cổ tức dự kiến. Hiện tại, QTP được định giá ở mức P/E 10,7 lần và tỷ suất cổ tức khoảng 7%/năm.