Học sinh lớp 1 "ngồi nhìn lớp ăn liên hoan": Vai trò của nhà giáo phải đặt trẻ làm trung tâm
Dự thảo Luật Nhà giáo: “Nóng” chuyện chứng chỉ hành nghề Nhà giáo được hưởng lợi gì từ quy định Chứng chỉ hành nghề |
Giáo viên thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống
Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện thông tin lan truyền về việc, do người mẹ không đóng tiền quỹ phụ huynh nên con không được ăn như các bạn trong buổi liên hoan cuối năm mà chỉ "ngồi nhìn các bạn ăn". Vụ việc xác định xảy ra tại lớp 1C Trường tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc, Hải Dương.
Thông tin về vấn đề này, chiều 27/5, bà Phạm Thị L. - Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Lương xác nhận sự việc trên xảy ra tại trường mình. Theo bà L., ngày 24/5, phụ huynh và cô chủ nhiệm lớp 1C phối hợp tổ chức liên hoan cuối năm cho học sinh của lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho biết, việc học sinh lớp 1 không có suất gà chiên trong buổi liên hoan lớp do mẹ không đóng 100.000 đồng là sự việc "đáng tiếc". Ảnh minh hoạ |
Trước đó, ban phụ huynh lớp đã thống nhất và thông qua cô chủ nhiệm về buổi liên hoan này rồi thông báo lên nhóm của lớp. Qua bàn bạc, lớp thống nhất sử dụng tiền quỹ phụ huynh để mua đồ liên hoan. Tuy nhiên, trong tổng 32 học sinh của lớp, có 31 phụ huynh đã đóng tiền liên hoan cho con. Chỉ có trường hợp học sinh N. không được bố mẹ đóng quỹ.
Theo bà L., sau khi bàn bạc, phụ huynh thông báo sẽ mua 31/32 suất gà rán kèm khoai tây chiên và xúc xích, trị giá 40.000 đồng/suất và bánh gato, kẹo bánh khác cho buổi liên hoan. Sau khi đọc xong thông báo các phụ huynh không ý kiến gì, kể cả mẹ cháu N.
Đến chiều 24/5, phụ huynh và cô chủ nhiệm lớp 1C đã tổ chức liên hoan cuối năm cho các con theo kế hoạch. Trong quá trình tổ chức liên hoan, em N. đã cùng các bạn trong lớp ăn bánh gato và các bánh kẹo khác. Riêng đùi gà, xúc xích và khoai tây chiên, em N. không có suất ăn riêng, song em được 2 bạn "chia" cho ăn cùng.
Được biết bố mẹ em N. vẫn đóng quỹ lớp đầy đủ, nhưng lại không đồng ý đóng tiền quỹ phụ huynh.
Về việc cháu N. không có phần gà rán, Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Lương cho rằng, đáng ra bộ phận tổ chức nên linh động mua thêm một suất cho cháu.
Sau buổi liên hoan, mẹ em N. là bà V.T.S. (trú tại thôn Cộng Hòa, xã Gia Lương) đã đăng thông tin trên facebook cá nhân cho rằng con mình “không được suất ăn” trong buổi liên hoan lớp. Thông tin này đã được nhiều tài khoản facebook chia sẻ.
Sáng 26/5, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giáo này đã nhận thiếu sót về mình. "Cô giáo đã nhận lỗi vì chưa linh hoạt", bà Phạm Thị L. cho hay.
Liên quan đến vụ việc “bé lớp 1 phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ” được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã tổ chức xác minh thông tin và đề nghị địa phương nơi xảy ra sự việc báo cáo.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 27/5, việc học sinh không có suất gà chiên trong buổi liên hoan lớp do mẹ không đóng 100.000 đồng là sự việc "đáng tiếc".
Cơ quan này cho biết, đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc chỉ đạo Trường Tiểu học Gia Lương làm việc với phụ huynh để được chia sẻ, thông cảm; tổ chức rút kinh nghiệm chung về mặt quản lý, tránh để xảy ra sự việc tương tự.
"Qua đánh giá, phân tích, trường nhận thấy giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống, để xảy ra phản ứng đáng tiếc của phụ huynh", báo cáo nêu.
Giáo dục cần lấy trẻ làm trung tâm
Ở góc độ giáo dục, bày tỏ quan điểm về sự việc, ông Nguyễn Trần Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, trong sự việc này, trẻ con không có lỗi, lỗi là ở người lớn. Việc phụ huynh học sinh này không đóng quỹ có thể do không nhất quán với quan điểm về việc đóng các khoản thu phí của lớp. Ban phụ huynh cũng "chấp nhặt" bỏ rơi quyền lợi của đứa trẻ. Và đáng trách hơn khi cô giáo đã được "bàn bạc thống nhất" nhưng vẫn "thờ ơ" loại "suất ăn" của một đứa học sinh như con của mình ra khỏi hoạt động sinh hoạt chung của lớp. Tất cả những chuyện này là vấn đề của người lớn mà quên mất quyền lợi của một đứa trẻ.
"Qua những chuyện này, với vai trò người làm giáo dục chúng tôi cảm thấy rất buồn, bởi nó ảnh hưởng đến danh xưng người thầy. Vai trò của nhà giáo dục luôn luôn phải đặt trọng tâm vào trẻ. Và rõ ràng, trong sự việc này cả phụ huynh và cô giáo đã không đặt trọng tâm vào trẻ" - ông Nam nói.
Quyết toán chi tiêu của khoản quỹ phụ huynh của lớp 1C, trong đó, chỉ trích tiền liên hoan cuối năm cho 31/32 học sinh (Ảnh: Phụ huynh đăng tải). |
Cũng theo ông Nam, dù được các bạn chia sẻ đồ ăn, song chính bản thân đứa trẻ vẫn sẽ cảm thấy bị tổn thương chỉ vì vấn đề thuộc về lỗi của người lớn. Và điều đáng bàn là, trong khi những người thầy, người cô hằng ngày vẫn dạy trẻ về sự nhân văn, yêu thương, thì sự việc này đang đi ngược lại với những gì con trẻ được học.
"Theo đó, tôi cho rằng, đạo đức của nhà giáo cũng cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong Luật Nhà giáo về cả những sự việc tương tự nhằm đảm bảo sự công bằng, không phân biệt trong môi trường giáo dục" - ông Nam nêu.
Chia sẻ thêm, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, trong sự việc này "lỗi" không chỉ từ phụ huynh, ban phụ huynh lớp mà cả cô giáo. Tất cả đã thiếu sự thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ. Bất luận vì lý do gì, cũng cần nhìn nhận ở góc độ sự tổn thương của một đứa trẻ để hành xử. Nếu chỉ vì chấp nhặt chuyện cá nhân mà "bỏ rơi" quyền lợi của một đứa trẻ là đáng trách.
"Tôi cho rằng, trong sự việc này, ứng xử của cô giáo cũng quá non kém. Việc giáo viên "hùa" theo các phụ huynh khác bỏ qua suất ăn của một đứa trẻ là rất vô cảm" - ông Tiền cho hay.
Bên cạnh đó, ông Tiền chỉ ra, hiện nay có một hiện tượng theo trào lưu của xã hội là việc phụ huynh phải đóng rất nhiều khoản phí, quỹ cho trường, lớp... đang tạo gánh nặng cho nhiều gia đình khó khăn. Và những khoản phí như quỹ phụ huynh chỉ là một hình thức để "hợp thức" việc chi cho các hoạt động như hội, hè của các lớp. Chính việc này đang nảy sinh nhiều hệ luỵ và tiêu cực.
Theo luật sư Tiền, quỹ phụ huynh là khoản đóng góp phổ biến tại các trường học. Theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quỹ này từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ và các nguồn tài trợ. Việc thu, chi phải bảo đảm công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu, ban đại diện phải báo cáo quyết toán kinh phí tại các cuộc họp phụ huynh.