Thêm giải pháp chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Việc cây xăng in chứng từ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Các thông tin bắt buộc in trên chứng từ bán hàng gồm: Tên cơ sở bán hàng, địa chỉ, số serial của cột đo xăng dầu, thời gian bán hàng, loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng - dầu đã bán…. Đồng thời, nhân viên bán hàng chỉ được in chứng từ khi kết thúc quá trình bơm xăng dầu cho khách hàng. Sai số kết quả đo lượng xăng dầu không được vượt quá 1,5 lần giới hạn sai số cho phép của phương tiện đo hoặc của hệ thống đo. Bên cạnh đó, không được phép sử dụng các phương tiện, thiết bị có thể tác động làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của cột đo xăng dầu. Các công tắc điều khiển liên quan tới mạch điều khiển của cột đo xăng dầu không được lắp đặt ra bên ngoài cột.
Khi phát hiện kết quả đo của cột bơm xăng dầu không đảm bảo yêu cầu theo quy định, thương nhân bán lẻ phải dừng việc sử dụng in hóa đơn, tuyệt đối không tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì của cột đo xăng dầu. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu phải liên hệ và đề nghị bằng văn bản tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo để sửa chữa, khắc phục và thông báo tới tổ chức kiểm định phương tiện đo.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định, việc này bắt buộc phải thực hiện để tránh nhập lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu, đảm bảo chất lượng xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với một nền thương mại sòng phẳng và hiện đại, việc xuất hóa đơn là đương nhiên. Không có một nước hiện đại nào mà khi bán hàng lại không xuất hóa đơn. Do đó, việc tất cả các cửa hàng xăng dầu đến 1/7/2018 khi bán xăng phải xuất hóa đơn là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, chi phí cho việc này không lớn vì chỉ cần kết nối với máy in. Trong khi đó, hiện nay do không in chứng từ bán hàng nên nhiều đại lý bán xăng có thể nhập xăng ở rất nhiều nơi, thậm chí nhập lậu với số lượng lớn. Khi có thiết bị, việc bán ra bao nhiêu sẽ có con số cụ thể, và từ đó các DN có thể kiểm tra được số lượng đầu vào, đầu ra của các cây xăng, tránh trường hợp nhập lậu, bán xăng chất lượng kém ra thị trường. Người tiêu dùng cũng sẽ có bằng chứng để khởi kiện nếu như DN không cung cấp đúng cho họ.
“Chúng tôi đã phải mất 2 năm để xây dựng thông tư nói trên, đã xin ý kiến của các DN kinh doanh xăng dầu, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và nhận được sự đồng thuận. Từ nay đến thời điểm quy định về thiết bị in chứng từ có hiệu lực (1/7/2018) là khoảng thời gian khá dài, đủ cho các cơ sở, DN chuẩn bị thực hiện”, ông Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thông tư 15 cũng quy định việc khi DN bán lẻ nhập xăng dầu từ tổng đại lý phải lấy mẫu tại đây, và đồng thời khi vận chuyển đến đại lý bán lẻ cũng phải lấy mẫu để lưu giữ. Hai mẫu xăng dầu ở điểm cấp hàng và bán hàng nhằm phục vụ việc kiểm tra của cơ quan chức năng xem có sự khác biệt, thay đổi về chất lượng hay không. Khi phát hiện sự thay đổi về chất lượng có thể quy trách nhiệm cho tổng đại lý, bên vận chuyển hay DN bán lẻ.
Ông Trần Văn Vinh: Quy định như Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN là phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng và lợi ích chính đáng của các DN kinh doanh xăng dầu làm ăn nghiêm túc, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. |
Quỳnh Nga