Hé lộ room tín dụng mới được cấp của MSB: Tăng 0,7 điểm phần trăm, cao nhất hệ thống?
MSB rao bán nhiều tàu chở dầu, chở hàng giá khởi điểm vài chục tỷ Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 24/1: HPG, MSB và LPB Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 2/2: VIB, IDC và MSB |
Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước giao hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho năm 2024 với tỷ lệ là 14,2%. MSB là một trong số nhà băng đầu tiên công bố hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Con số 14,2% cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với năm trước đó (13,5% - khi chưa được nới), nhiều khả năng tiếp tục là mức cao nhất hệ thống tương tự như năm 2023.
MSB có lợi thế chi phí vốn thấp khi sở hữu tỷ lệ CASA cao và cơ cấu vay liên ngân hàng cũng ở mức cao trong hệ thống |
Tuy nhiên, MSB là ngân hàng tầm trung nên mặc dù được cấp room tín dụng cao nhưng thực chất con số tuyệt đối thì không cao so với các ngân hàng lớn khác.
Theo số liệu mới nhất, trong khi tăng trưởng toàn hệ thống giảm trong tháng 1/2024, MSB vẫn duy trì dư nợ tín dụng ở mức đi ngang. Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng của MSB đạt 1,09% so đầu năm.
Được biết, MSB đặt mục tiêu tổng tài sản giai đoạn 2024 - 2027 đạt 306.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ. Các chỉ tiêu khác như dư nợ tín dụng đạt 178.200 tỷ đồng (tăng 18% so cùng kỳ), NIM ước đạt 3,5 - 4% và mục tiêu nợ xấu dưới 3%.
Về định hướng 2024 - 2027, MSB đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cho vay sang tập trung phân khúc RB&SME, với tỷ trọng dư nợ 2 nhóm này trên 60%.
Nhìn lại năm 2023, MSB ghi nhận dư nợ tín dụng đạt 150.000 tỷ với chỉ 1.500 tỷ trong đó là trái phiếu doanh nghiệp. Phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 44,2% đồng thời cũng là nhóm có mức tăng trưởng mạnh nhất khi tăng 37,8% so với đầu năm.
Dù vậy, dư nợ tín dụng đang dần dịch chuyển sang nhóm khách hàng bán lẻ và SME, đồng thời giảm tỷ trọng các lĩnh vực rủi ro cao.
Tỷ trọng cho vay bất động sản phân khúc cho vay doanh nghiệp của MSB giảm từ 13,5% năm 2022 xuống còn 12,2% trong năm 2023.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đứng thứ 4 hệ thống, đạt 35.120 tỷ đồng tương đương 26,54%. Tiền gửi của khách hàng đạt 132.350 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng huy động.
Doanh thu ngoại hối và thu nhập từ dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đóng góp khoảng 22% trong tổng thu nhập hoạt động của MSB. Dù vậy, nợ xấu đã tăng lên mức 1,94% khiến ngân hàng phải trích lập nhiều hơn, do đó mà lãi trước thuế của MSB chỉ tăng 0,7% so với 2022, đạt 5.830 tỷ đồng. Nợ cơ cấu theo Thông tư 02 của MSB tính đến thời điểm 31/12 chỉ còn 601 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) gần đây đưa ra khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu MSB, với quan điểm đây là ngân hàng có lợi thế chi phí vốn thấp khi sở hữu tỷ lệ CASA cao và cơ cấu vay liên ngân hàng cũng ở mức cao trong hệ thống.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh ngoại hối và trái phiếu chính phủ cũng như giúp giảm chi phí vốn của MSB. Ngoài ra, chi phí huy động giảm mạnh và CASA cải thiện khi nền kinh tế phục hồi trở lại cũng là yếu tố hỗ trợ cho chi phí vốn thấp của ngân hàng.
BVSC kỳ vọng tổng thu nhập hoạt động của MSB năm 2024 đạt 14.748 tỷ đồng (tăng trưởng 15% so với năm ngoái); lợi nhuận trước thuế đạt 7.740 tỷ đồng (tăng trưởng 24,6%). BVSC cho rằng mức giá phù hợp cho cổ phiếu MSB là 16.700 đồng/cổ phiếu, tương đương mức lợi suất 8,4%.