Hà Nội: 3 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2021
Tăng trưởng GRDP quý III ước giảm 7,02% so với cùng kỳ
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 của TP chịu nhiều tác động do dịch Covid-19. Quý II/2021, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, tình hình sản xuất, kinh doanh có tín hiệu khởi sắc rõ nét, hầu hết các chỉ tiêu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý II tăng 6,61% góp phần thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn cùng kỳ năm 2020. Quý III/2021, khi TP phải thực hiện giãn cách xã hội để tập trung công tác phòng, chống dịch, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, trong đó có nhiều chỉ tiêu tháng 9 tuy tăng so với tháng 8 nhưng giảm so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 giảm 7,02% so với cùng kỳ năm 2020, nhất là khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp, xây dựng; tính chung 9 tháng tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020.
Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản |
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước đạt 176.737 tỷ đồng, đạt 75,0% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán TP giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 46.338 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán, bằng 95,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 6,1% so với tháng 8 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 9 tháng IIP tăng 4,1% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,3%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 31 nghìn tỷ đồng, tăng 26,8% so với tháng 8 và giảm 39,6% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm đạt 380 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,0%). Một số lĩnh vực vẫn gặp nhiều khó khăn như văn hóa, thương mại du lịch, khách sạn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; thu hút FDI đạt thấp…
Tuy nhiên, TP có một số ngành kinh tế duy trì tăng trưởng: Tài chính, ngân hàng tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; thông tin và truyền thông tăng 6,34%; khoa học công nghệ tăng 5,54%; giáo dục và đào tạo tăng 4,26%; thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Riêng y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 9 tháng tăng 28,13% do Trung ương và TP đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh, hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 và tập trung nguồn lực mua vắc xin. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, tháng 9 giảm 0,6% so với tháng 8; bình quân 9 tháng tăng 1,54%, thấp hơn cùng kỳ 2020. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi....
3 nhiệm vụ trọng tâm
Tại Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác quý III và 9 tháng, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 của UBND TP diễn ra ngày 1/10 nhận định, TP vẫn đang ở mức nguy cơ cao, tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các cấp, ngành vẫn phải nỗ lực tập trung cao độ thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kép; tiếp tục thực hiện hiệu quả, kiên định các giải pháp quyết liệt phòng dịch trong mọi tình huống; đồng thời tập trung tăng tốc, phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh chủ trì Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác quý III và 9 tháng, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021. |
Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính gồm: tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, quận, huyện, thị xã phải coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kiên định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch năm 2021, Hà Nội tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau: Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách; Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục về đầu tư; Hoàn thành nhanh, gọn từng dự án, tuyệt đối không để kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực của TP và địa phương; Rà soát, có biện pháp điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án cấp bách và có khả năng giải ngân tốt hơn....
Đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất, phát huy hết dư địa các khoản thu, khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, nhất là khoản thu từ khu vực sản xuất kinh doanh. Các quận, huyện có số thu ngân sách nhà nước đạt thấp, thu tiền sử dụng đất thấp dưới 20% cần quyết liệt thực hiện thu ngân sách theo đúng mục tiêu, kế hoạch được giao.
Các cấp, ngành TP phải đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế TP ở mức cao nhất trong quý IV và cả năm 2021, làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo,.... Do vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 10, các đơn vị phải bắt tay ngay vào việc: xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương quản lý; xây dựng tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn dịch bệnh trong ngành, lĩnh vực phụ trách;...
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu khởi công thực hiện đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp đã có đủ thủ tục. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đề xuất UBND TP tổ chức Hội nghị Lãnh đạo TP gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ, sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Thành lập 04 Tổ công tác gồm: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; Tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính; Tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đô thị; Đảm bảo nguồn thu, thúc đẩy giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.