Gỡ ''nút thắt'' tài chính xanh trong hành trình xanh hóa nền kinh tế Việt
Mở khóa tài chính xanh cho ngành nhựa Việt Nam Thúc đẩy phát triển tài chính xanh tại Việt Nam Cần sớm có các chính sách khả thi để phát triển tài chính xanh |
Nguồn vốn xanh hiện còn eo hẹp
Nhằm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang tích cực cụ thể hóa chiến lược này thông qua các hành động thiết thực. Trong lĩnh vực tài chính, nhiều chính sách đã được ban hành để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế xanh. Hệ thống chính sách tài chính hướng đến phát triển bền vững được chia thành hai nhóm chính.
Dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2017-2023 với tốc độ bình quân hơn 22%/năm. Ảnh minh hoạ |
Theo đó, nhóm đầu tiên tập trung hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, trong khi nhóm thứ hai khuyến khích các biện pháp bảo vệ môi trường. Cụ thể, các chính sách thuế có thể áp dụng thuế cao hơn đối với các hoạt động phát thải carbon hoặc cung cấp ưu đãi thuế đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài chính sách thuế, Bộ Tài chính còn xây dựng các biện pháp ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường. Các ưu đãi này bao gồm miễn thuế thu nhập đối với nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyển nhượng chỉ số phát thải carbon đầu tiên và các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai có hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính. Song, cũng cần nhìn nhận, hiện việc chuyển đổi xanh đang cho thấy rõ sự khác biệt giữa nhóm doanh nghiệp lớn và nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - người từng có nhiều năm nghiên cứu về mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thẳng thắn, sự khác biệt về chuyển đổi xanh giữa các nhóm doanh nghiệp được thể hiện rõ.
Ví dụ, các doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, TH True Milk, Samsung, Apple… vào cuộc rất mạnh mẽ, họ tự nguyện tham gia để thể hiện trách nhiệm xã hội trong quá trình sản xuất kinh doanh và một phần do áp lực của thị trường.
Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó nhận biết sự chuyển đổi hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, dù một số doanh nhân có nhiều sáng kiến. Các rào cản chính là hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ, khiến nhiều doanh nghiệp bị tụt lại phía sau.
Dẫn chứng thêm những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam cho biết, những doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất xanh, xây dựng khu công nghiệp tuần hoàn dù đi đầu, tốn kém nhiều chi phí nhưng đa số các doanh nghiệp chưa nhận được chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước, kể cả vay vốn vẫn như các doanh nghiệp khác. Việc thiếu cơ chế ưu đãi và hỗ trợ khiến các nhà đầu tư thiếu động lực xây dựng khu công nghiệp xanh, dù đây là một lợi thế đáng kể thu hút doanh nghiệp FDI.
Theo các chuyên gia, do khoảng trống về khung pháp lý, hạ tầng và cơ chế ưu đãi, nguồn vốn xanh hiện vẫn eo hẹp. Dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2017-2023 với tốc độ bình quân hơn 22%/năm. Tính đến ngày 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Huy động tối đa nguồn lực
Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tín dụng xanh, trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh đang trở thành những công cụ quan trọng để huy động vốn cho các dự án xanh và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, Việt Nam đã và đang phát huy tối đa các nguồn lực, đặc biệt, tận dụng hiệu quả công tác hỗ trợ từ quốc tế.
Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Australia vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Đoàn công tác của đã có buổi làm việc với Bộ Ngân khố Australia. Tại đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đề cập, Việt Nam đang xây dựng thị trường tín chỉ carbon và đây là một trong những thế mạnh của Australia, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Bộ Ngân khố Australia.
Australia sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong phát triển thị trường tài chính xanh. (Ảnh: BTC/Vietnam+) |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng phụ trách Cạnh tranh, Từ thiện và Ngân khố, kiêm phụ trách Việc làm Australia, ông Andrew Leigh chia sẻ, Australia đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực tài chính xanh và trái phiếu xanh. Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Australia đã phát hành 7 tỷ USD trái phiếu xanh để hỗ trợ phát triển năng lượng sạch. Do đó, Australia sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong phát triển thị trường tài chính xanh.
Đồng Bộ trưởng Andrew Leigh cũng hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trên nhiều khía cạnh, đồng thời cho biết sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Australia đã vạch ra mục tiêu cụ thể hóa các mối quan hệ hợp tác thành các chương trình hành động cụ thể, đặc biệt là sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong những lĩnh vực mà Australia có thế mạnh như chống biến đổi khí hậu, năng lượng sạch…
Bên cạnh việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài, theo các chuyên gia tài chính, để tài chính xanh trở thành hiện thực và có ý nghĩa thiết thực trong chiến lược xanh hóa nền kinh tế Việt Nam, Nhà nước cần có trách nhiệm dẫn dắt thực hiện xanh hóa hệ thống tài chính, tạo lập hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực; xây dựng, công bố lộ trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam từ nay đến năm 2050, trong đó xác định những ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển theo hướng kinh tế xanh; Tiếp tục hoàn thiện khung chính sách tài chính cho phát triển thị trường tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, tài chính xanh…
Các định chế tài chính ngân hàng, cần chủ động trong xây dựng và phát triển các dịch vụ ngân hàng xanh, hướng tới, hình thành các ngân hàng xanh tại Việt Nam. Các định chế tài chính phi ngân hàng cần xây dựng kế hoạch và chiến lược về tài chính xanh cũng như các chiến lược quản trị rủi ro về môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh; nâng cao nhận thức cho đội ngũ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh.