Thúc đẩy phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
Thiết lập trụ cột hợp tác mới về tài chính xanh Việt Nam - Luxembourg Kết nối giữa “công và tư” để huy động nguồn lực cho tài chính xanh Mở khóa tài chính xanh cho ngành nhựa Việt Nam |
Theo ước tính của World Bank tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR) năm 2022, giá trị của nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam từ nay đến năm 2040 là khoảng 368 tỷ USD (tương đương 20 tỷ USD/năm), tương tự như nhiều quốc gia đang phát triển có điều kiện tự nhiên tương đồng. Chính vì vậy, phát triển tài chính xanh sẽ là xu hướng tất yếu của thế giới, của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trái phiếu xanh, tín dụng xanh là công cụ quan trọng thúc đẩy tài chính xanh
Để phát triển, thúc đẩy tài chính xanh, không thể không nhắc đến các công cụ tài chính xanh quan trọng là trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Điều này cũng giúp thực thi các cam kết quốc tế NDC, Net-Zero 2050 và chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam trong điều kiện nguồn lực hết sức hạn chế, khi GDP năm 2023 của Việt Nam mới đạt 430 tỷ USD.
Từ đó, Việt Nam có thể định hướng nền kinh tế sang hoạt động sản xuất công nghệ cao hơn, hạn chế hoạt động sản xuất sử dụng công nghệ giản đơn và có mức độ ô nhiễm cao.
Trái phiếu xanh, tín dụng xanh là công cụ quan trọng thúc đẩy tài chính xanh tại Việt Nam. Ảnh: VCCI |
Theo The Asian Development Bank (ADB), một số doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận nguồn vốn thị trường tài chính xanh quốc tế với việc tiên phong tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) lớn, tập trung ở các lĩnh vực thủy lợi, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, tài chính – ngân hàng, nhưng còn khá khiêm tốn.
Trong giai đoạn 2016-2020, có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, với giá trị khoảng 284 triệu USD.
Các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ đang tích cực đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh, trái phiếu bền vững tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2020–2023, tổng khối lượng trái phiếu IFC đầu tư đạt gần 5.000 tỷ đồng với những giao dịch tiêu biểu như trái phiếu của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, CTCP Đầu tư Nam Long, HDBank…
Các công ty bảo hiểm quốc tế như AIA, Prudencial, Manulife, và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IFC…đều có định hướng ưu tiên phát triển các dự án có ích lợi cho môi trường như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh…
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Có thể thấy, thị trường trái phiếu tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển với sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về tín dụng xanh, nhằm thúc đẩy sự phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam, nhiều cơ chế, chính sách, đã được ban hành trong thời gian qua, tiêu biểu như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 07/08/2018 của Thống đốc NHNN về phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam…
Nhờ đó, tín dụng xanh đã tăng trưởng tích cực trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay với tốc độ hơn 20%/năm. Theo công bố của NHNN, đến ngày 30/9/2023, tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế với 43 tổ chức tín dụng tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh (Hình 2).
Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng.
Các sản phẩm tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại ngày càng phong phú. Như BIDV, tổ chức đã nghiên cứu triển khai nhiều sản phẩm tín dụng xanh, bền vững nhằm đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, bền vững của nền kinh tế như gói tín dụng 3.500 tỷ đồng để cho vay mua ô tô điện và gần đây là gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp dệt may với chính sách ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo… Agribank đang có 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng khác cũng đã có những bước chuyển mình đáng kể khi tích cực trao đổi và chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm đa dạng nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án xanh, và chia sẻ kinh nghiệm về quản trị và tổ chức triển khai ESG, chuẩn hóa quy trình, chính sách và hệ thống để phát triển và triển khai các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững.
Giải pháp để phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
Để phát triển tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể. Theo đó, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tại và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra một số giải pháp.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đưa ra các giải pháp để phát triển tài chính xanh tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình |
Đầu tiên, cần hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu... Trong đó, năng lượng, giao thông - vận tải, sản xuất công nghiệp - nông nghiệp, du lịch là các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh.
Về phía Chính phủ, cần sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh…; cập nhật các tiêu chí trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế (ít nhất là tiêu chuẩn ASEAN).
Ngoài ra, khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, thị trường quỹ và thị trường phái sinh nhằm giảm tải phụ thuộc vốn trung dài hạn vào hệ thống ngân hàng, tạo lập hệ sinh thái về huy động vốn và phân bổ vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp và nhà đầu tư...
Đồng thời, Chính phủ và các bộ ngành có chính sách, giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo...
Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp, tổ chức tài chính cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững, xây dựng văn hóa xanh, chủ động lập báo cáo ESG, báo cáo phát triển bền vững và đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan.