Gian nan lộ trình kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy
Kiểm soát khí thải xe máy - Cách nào? ADM đặt mục tiêu giảm thiểu khí thải nhà kính và năng lượng tiêu thụ Gian nan bài toán giao thông tĩnh: Cần định hướng, đột phá mới để thu hút đầu tư |
Vấn đề nan giải
Theo Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải, giai đoạn 2005-2022, tăng trưởng xe máy tại nước ta đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe.
Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Thống kê năm 2020, xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội chiếm 84%, tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 91% và tại Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông. Giai đoạn 2025-2030 xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến, tuy nhiên, đây cũng chính là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn.
Giai đoạn 2025 - 2030, xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến. Ảnh: Ngọc Hoa |
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.
Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.
Nước ta hiện đang có hơn 83 triệu phương tiện giao thông đang lưu hành, trong đó có khoảng 78 triệu là mô tô, xe gắn máy. Không chỉ gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, hoạt động giao thông cũng gián tiếp đưa Việt Nam vào Top 3 quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động nhất của khu vực Đông Nam Á.
Do vậy, việc kiểm định khí thải xe máy là một bài toán cực kỳ thử thách, bởi, lượng xe máy ở Việt Nam rất lớn. Việc xây dựng mạng lưới kiểm định mất gần 30 năm mới được gần 300 trạm. Còn lượng xe máy gấp 10 lần ô tô, dù kiểm định đơn giản hơn nhưng tỉ lệ tương ứng để phủ rộng giai đoạn đầu cũng cần hàng nghìn cơ sở tham gia kiểm định.
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia Phan Lê Bình - Trưởng đại diện văn phòng Công ty Tư vấn OCG, Nhật Bản - cho biết, phát thải khí thải từ xe cơ giới đang gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, cụ thể khối lượng khí bụi mịn từ mô tô, xe gắn máy thải ra môi trường là cực kỳ lớn.
“Việc kiểm soát khí thải đối với mô tô xe máy đã được đề cập từ lâu rồi và đến nay tôi cho rằng là vấn đề thực sự cấp thiết để hạn chế dần tình trạng ô nhiễm, tạo ra bầu không khí trong sạch hơn, ít ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của người dân hơn”, ông Bình nói.
Khơi thông điểm nghẽn
Pháp luật hiện hành đang quy định khá chặt đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe ô tô và quy trình kiểm định đối với phương tiện bốn bánh. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và quy trình kiểm định khí thải đối với xe hai bánh.
Trong khi đó, Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nêu rõ: Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Như vậy, kể từ khi Luật này có hiệu lực (ngày 1/1/2025), xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải.
Cần kiểm soát khí thải xe máy để bảo vệ không khí. Ảnh: Ngọc Hoa |
Đi tìm lời giải cho “bài toán” kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, kiểm định khí thải phương tiện giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện chủ trương mục tiêu đưa phát thải ròng về zero vào năm 2050.
“Việc kiểm soát khí thải ô tô, xe máy cũng được nghiên cứu từ năm 2010 Chính phủ đã có Đề án 909 về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy đang lưu hành”, ông Phương cho biết.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, trước mắt nên triển khai kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… sau đó mới lan tỏa dần ra các địa phương khác. Ngoài ra, có thể nghiên cứu các loại phương tiện nào cần làm trước để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường vừa đảm bảo tính khả thi của việc kiểm soát khí thải.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ lộ trình áp dụng chương trình khí thải đối với các phương tiện tham gia giao thông.
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự thảo nghị định giao cho ngành giao thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Đồng thời, bộ sẽ chủ trì xây dựng, ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo quy định của pháp luật về giá.
Tuy nhiên, việc thực hiện việc kiểm định khí thải xe máy phải theo lộ trình. Trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về đo lường đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Thêm vào đó, các bộ ngành liên quan cần phải tham mưu cho Chính phủ thời điểm kiểm tra khí thải xe máy, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức triển khai, đối tượng cụ thể...