Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế
Công điện của Thủ tướng về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh Tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm vật tư, thiết bị y tế |
Ngành y tế đã thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023, diễn ra sáng ngày 24/2/2023 cho thấy, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường; tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 |
Tuy nhiên, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương; ủng hộ của người dân, cùng nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ một số kết quả nổi bật toàn ngành đã đạt được như: Hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2/3 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (11,5 bác sĩ) và số giường bệnh/vạn dân (31 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (92,03%); cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao (13/16 chỉ tiêu).
Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề trong hoạt động của ngành như: Luật Dược sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dân số, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh…; giải quyết các khó khăn, tồn tại của ngành, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Đáng chú ý, ngành y tế kiểm soát tốt dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, tập trung cùng chính quyền địa phương nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm.
Cùng đó, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế.
Dự và chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể đội ngũ những "chiến sĩ áo trắng" trên toàn quốc nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).
Theo Người đứng đầu Chính phủ, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành y đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình.
Đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đầy cam go, thách thức, một lần nữa, hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch bệnh; những "chiến sĩ áo trắng" tạm gác việc nhà, việc mình, sẵn sàng đối diện với hiểm nguy để cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Những nỗ lực, cống hiến, hy sinh đó đã mang lại thành quả chống dịch quan trọng, góp phần để đất nước vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển khá toàn diện trong năm 2022.
Đặt tính mạng, sức khỏe nhân dân lên trên hết
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan trên thực tiễn cần được khắc phục, nhất là khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn khó lường, khó dự báo; hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện; tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế công lập, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra; nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế chưa đủ nguồn lực phục vụ người dân.
Cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế |
Cùng đó, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm yêu cầu; công tác đào tạo nhân lực còn những vấn đề về bảo đảm chất lượng; cơ cấu bệnh tật thay đổi, quy mô dân số gia tăng, tác động của dịch Covid-19 đã và đang tạo sức ép lớn đối với công tác y tế…
Những yếu kém này cũng được Thủ tướng chỉ ra tại hội nghị. Với mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, Thủ tướng đề nghị ngành y tế phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; "Thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn". Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.
Phải tiếp cận phát triển ngành y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân; không phân biệt công lập hay ngoài công lập, cả y học hiện đại và y học dân tộc, cả chuyên môn và dược liệu, cả con người và cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác công - tư; huy động mọi nguồn lực phát triển ngành y tế nhanh, bền vững, hiện đại, tiên tiến, hội nhập.
Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, càng phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc...".
Triển khai công tác một cách tổng thể, bài bản nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Xác định việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể...
Riêng với vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, Thủ tướng lưu ý, cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài". Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch.
Năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. |