Tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm vật tư, thiết bị y tế
Hóa chất xét nghiệm một số bệnh viện sắp hết
Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Ngành Y vượt khó”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 23/2, ông Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho biết, hiện tại không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K ở ngoài Bắc, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh... cũng gặp nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh.
Các diễn giả tham gia tọa đàm với chủ đề “Ngành Y vượt khó” |
Tại Bệnh viện Việt Đức, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường. Bệnh viện đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ nhưng rất khó khăn.
Ông Trần Bình Giang đặt câu hỏi “Tại sao như thế?”, đồng thời ông trả lời luôn: Tại vì đó là những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện làm. Tại sao chúng ta phải đặt máy? Vì kể từ năm 2015, Bệnh viện Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm rất khó khăn.
Được biết, máy móc xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức có giá từ 250 - 300 tỷ đồng.
Chia sẻ của các chuyên gia, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Việt Đức mà còn tương tự ở nhiều bệnh viện lớn khác. Đây là việc cấp cứu của cấp cứu, cần được tháo gỡ ngay lập tức. Nếu không đủ vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.
Chia sẻ cùng Bệnh viện Việt Đức cũng như nhiều bệnh viện khác trên cả nước, GS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – cho biết: Có lẽ những khó khăn về tài chính dẫn đến nguồn tài chính, nguồn chi thường xuyên cho cán bộ nhân viên, đặc biệt trong 3 năm qua của bệnh viện đã giảm trầm trọng.
Về thiết bị y tế, đây là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Khi các bệnh viện tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc thì họ rất tín nhiệm Bệnh viện Bạch Mai. Người dân cũng như vậy, chuyển lên bệnh viện này rất nhiều.
Số liệu thống kê từ Bệnh viện Bạch Mai, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Ngay khi đi làm ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tại bệnh viện lên tới 6.000 bệnh nhân. Do vậy, thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh thiếu trầm trọng.
Khó khăn trong thực hiện thu giá đúng, đủ
GS.TS. Đào Xuân Cơ chia sẻ thêm, hầu hết thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các Thông tư về liên doanh, liên kết cũng hết hiệu lực phải chờ Thông tư mới, quy định mới nên hiện tại bệnh viện không thể tái ký hợp đồng, cũng như không thể ký hợp đồng mới. Trong khi việc đầu tư, mua sắm thiết bị mới thì bệnh viện không có nguồn ngân sách nào. “Do vậy, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh”, GS.TS. Đào Xuân Cơ nêu quan điểm.
Ông Cơ đồng thời cũng mong muốn Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn để gỡ khó cho các bệnh viện. “Các bệnh viện khó khăn một thì Bệnh viện Bạch Mai khó gấp đôi, bởi Bạch Mai vướng vào những vấn đề hết sức phức tạp về pháp lý như tôi đã báo cáo ở trên: Hiện tại liên doanh, liên kết đã dừng; thiết bị thì không có, thiếu; và đặc biệt là nguồn thu thì khác với các bệnh viện khác, toàn bộ thu của Bạch Mai bây giờ bằng giá của bảo hiểm y tế. Ví dụ, giá siêu âm ổ bụng cho người bệnh thì các bệnh viện thu giá dịch vụ khám theo yêu cầu từ 110.000-150.000 đồng.
Tuy nhiên tại Bệnh viện Bạch Mai hiện tại thu bằng giá của bảo hiểm y tế là 43.900 đồng. Rất nhiều người hỏi tôi sao Bạch Mai đông người thế mà giám đốc cứ kêu thiếu tài chính. Vì hiện tại không có một cơ chế nào để giúp cho bệnh viện thu giá đúng, đủ. Do vậy chúng tôi đã khẩn cầu, báo cáo Bộ Y tế nhanh chóng có giải pháp để tháo gỡ kho Bệnh viện Bạch Mai ở thời điểm này”.
Những kỳ vọng từ Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi)
Quốc hội đã thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, trong đó có nhiều quy định mới để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh.
Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều quy định mới để có thể hướng tới việc chăm sóc người bệnh tốt hơn |
Đặc biệt Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có cả 1 chương về công tác tài chính của bệnh viện. Theo các chuyên gia, đây là một trong những điểm thành công nhất của ban soạn thảo và đã được Quốc hội thông qua trong Luật này. Trước đây, tất cả các cơ chế hoạt động trong hệ thống khám chữa bệnh của chúng ta vướng rất nhiều về cơ chế tài chính và lần này đã dành một chương trong Luật.
Bên cạnh đó, Luật lần này mở và giao nhiệm vụ cho Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành soạn thảo các thông tư, nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, những bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức và những bệnh viện lớn chịu ảnh hưởng rất lớn khi chính sách thay đổi, nếu chính sách tốt thì tác động tốt và nhanh, còn nếu không phù hợp sẽ tác động theo chiều ngược lại.
Do vậy, lãnh đạo các bệnh viện mong muốn trong quá trình xây dựng thông tư, nghị định, tất cả cơ quan chức năng, bộ, ngành liên quan vào cuộc nhanh chóng để có văn bản pháp quy hướng dẫn Luật được thực hiện chuẩn mực.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, việc chúng ta ban hành Luật vừa rồi là tiếp tục thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) thể hiện tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động, trong khám chữa bệnh để trên cơ sở đó tạo điều kiện cho người bệnh tiếp xúc dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời tiếp tục thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ y tế. Vấn đề xã hội hóa trong dịch vụ y tế hết sức quan trọng để làm sao người bệnh tiếp cận một cách công bằng các dịch vụ y tế tại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
“Bộ Y tế đã và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản cụ thể hóa Luật. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ban hành các thông tư hướng dẫn đồng bộ với Luật, với Nghị định của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.
Tuy nhiên, để sớm đưa Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống, không chỉ riêng Bộ Y tế mà các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tham mưu cho Chính phủ sớm banh hành nghị định, quy định.