Giá hồ tiêu Việt tăng cao: Cơn sốt ''vàng đen'' còn kéo dài?
Thị trường hồ tiêu Việt: Cung - cầu trái chiều, giá 'vàng đen' khó dự đoán Giá hồ tiêu ổn định, nông dân vẫn kỳ vọng tăng cao hơn Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá hồ tiêu còn tăng cao? |
Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và triển vọng của thị trường hồ tiêu trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguồn cung hồ tiêu toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh việc Indonesia bước vào vụ thu hoạch mới, Brazil - quốc gia sản xuất hạt tiêu đen lớn thứ hai thế giới - gặp phải tình trạng mất mùa nghiêm trọng do hạn hán kéo dài. Điều này khiến nguồn cung toàn cầu trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết, đẩy giá hồ tiêu tăng cao.
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố tác động làm ảnh hưởng tới nguồn cung và làm giảm sản lượng hồ tiêu do thời tiết khắc nghiệt và việc giảm diện tích canh tác tại nhiều quốc gia sản xuất lớn. Giá hồ tiêu cũng ảnh hưởng tăng trong trung và dài hạn do chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á.
Giá hồ tiêu trong nước đang ở mức cao kỷ lục những tháng gần đây. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao, đặc biệt là từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu khiến giá hồ tiêu tăng. Cùng với đó, trong tháng 9 này, các thị trường hàng hoá kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất sau nhiều năm. Giới đầu tư đang kỳ vọng FED hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần trong hai lần họp tới, diễn ra vào tháng 9 và tháng 11, tiếp đến là một đợt giảm lớn hơn vào tháng 12. Việc FED hạ lãi suất kỳ vọng kích thích được sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, kéo theo sự hồi phục về đơn hàng và xuất khẩu từ Việt Nam đến thị trường trên. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam được “hưởng lợi” từ sự đảo chiều chính sách này của FED.
Giá hồ tiêu nội địa đã liên tục tăng trong thời gian qua và đạt mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Mặc dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng giá vẫn ở mức cao so với lịch sử. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá hồ tiêu nước ta liên tục neo ở mức cao. Trong những ngày đầu tháng 6, giá tiêu trong nước đã tăng mạnh và tiến sát mốc 190.000 đồng/kg, từ mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây, với mức giá đạt được là 187.000 đồng/kg. Tại thời điểm hiện tại, giá tiêu đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao so với lịch sử.
Ông Marcellus Giovanni - Giám đốc điều hành của Brazspice Spices International - cho biết “Nhu cầu mạnh từ thị trường Trung Quốc và Trung Đông khiến giá tiêu nội địa Việt Nam tăng nhanh trong những ngày gần đây.”
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 8.059 tấn tiêu từ Việt Nam, giảm mạnh so với mức nhập khẩu thông thường hàng năm từ 50.000 - 57.000 tấn, ngoại trừ những năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Tuy nhiên, vào tuần trước, nhu cầu từ Trung Quốc đã quay trở lại với các đơn đặt hàng với số lượng lớn từ 3.000 - 4.000 tấn.
“Có vẻ như tồn kho của Trung Quốc đã giảm đáng kể sau một thời gian dài giảm mua, dẫn đến phải mua số lượng lớn để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguyên liệu khi sản lượng tiêu toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới”, Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Phúc Thịnh (PTEXIM) nhận định.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo, giá tiêu sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung hạn chế. VPSA định hướng ưu tiên giữ ổn định diện tích hồ tiêu, tập trung các giải pháp cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng hồ tiêu cần có thời gian để cho ra sản phẩm, ít nhất là 3 - 4 năm. Do đó, trong ngắn hạn, giá hồ tiêu vẫn có thể tiếp tục biến động.
Giá hồ tiêu Việt Nam tăng cao là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp, trong đó, có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Để đối phó với tình hình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tìm kiếm các giải pháp để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và giảm thiểu rủi ro.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (4/9), tại một số vùng trồng trọng điểm trong nước, giá tiêu tiếp tục tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 dài ngày. Qua đó, mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa dao động quanh ngưỡng 151.500 - 152.000 đồng/kg. Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk tăng mạnh 2.000 đồng/kg, đạt 152.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai tăng 1.500 đồng/kg, đạt 151.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông tăng mạnh 2.000 đồng/kg, đạt 152.000 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng đồng loạt tăng mạnh 2.000 đồng/kg, đạt 151.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước cũng tăng mạnh 2.000 đồng, đạt 152.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 3/9 (theo giờ địa phương) như sau: Giá tiêu đen Lampung của Indonesia giảm 0,13%, xuống còn 7.488 USD/tấn; tương tự, giá tiêu trắng Muntok cũng giảm 0,14%, xuống còn 8.817 USD/tấn. Riêng giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil đi ngang, đạt 7.000 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia đi ngang, đạt 8.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này cũng đi ngang, đạt 10.400 USD/tấn. Giá tiêu các loại của Việt Nam được giữ ổn định. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l giữ ở mức 6.100 USD/tấn; loại 550 gr/l giữ ở mức 6.500 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam giữ ổn định ở mức 8.800 USD/tấn. |