Giá hồ tiêu tăng cao khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc phục hồi
Giá hồ tiêu ổn định, nông dân vẫn kỳ vọng tăng cao hơn Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá hồ tiêu còn tăng cao? Giá hồ tiêu Việt tăng cao: Cơn sốt ''vàng đen'' còn kéo dài? |
Trong những tháng gần đây, thị trường hồ tiêu Việt Nam chứng kiến mức tăng giá đáng kể. Nguyên nhân chính được cho là do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức cao.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng cao, đặc biệt là từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, châu Á và Trung Đông, giá tiêu đã liên tục tăng và đạt mức cao nhất trong vòng 7-8 năm qua.
Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc đang có những tín hiệu phục hồi tích cực sau một thời gian nhập khẩu hồ tiêu giảm. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 7, nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc đã tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, cả về lượng và giá trị.
Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đạt 1.965 tấn, trị giá 9,2 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần về lượng và 2,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Với khối lượng nhập khẩu tăng mạnh trong hai tháng gần đây, tổng nhập khẩu tiêu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt 6.594 tấn, trị giá 30,2 triệu USD, tăng 21,6% về lượng và 35,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Giá tiêu có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới |
Giá tiêu nhập khẩu của Trung Quốc đạt bình quân 4.587 USD/tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp tiêu chính cho Trung Quốc hiện nay vẫn là Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Brazil.
Báo cáo mới đây của PTEXIM cho biết, vào tuần trước, nhu cầu từ Trung Quốc đã quay trở lại với các đơn đặt hàng số lượng lớn từ 3.000 - 4.000 tấn. “Có vẻ như tồn kho của Trung Quốc đã giảm đáng kể sau một thời gian dài giảm mua, dẫn đến phải mua số lượng lớn để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguyên liệu khi sản lượng tiêu toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới”, PTEXIM nhận định.
Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 185.000 tấn hồ tiêu, tương đương với toàn bộ sản lượng thu hoạch được trong niên vụ vừa qua. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh, đạt 44,9%. Điều này cho thấy giá tiêu xuất khẩu bình quân đã tăng 47%, lên mức 4.810 USD/tấn.
Các chuyên gia nhận định rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, ít nhất là cho đến khi vụ mùa mới bắt đầu vào tháng 3/2025. Ước tính, tổng tồn kho và lượng nhập khẩu của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 40.000 - 45.000 tấn, một con số khá thấp so với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.
Các yếu tố tác động đến giá tiêu như điều kiện thời tiết bất lợi, hạn hán, mưa bão có thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây hồ tiêu, dẫn đến giảm sản lượng. Các loại bệnh hại cây hồ tiêu cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sản lượng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới ngày càng tăng, đặc biệt là từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, tạo áp lực lên nguồn cung.
Với tình hình hiện tại, giá tiêu có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và xuất khẩu cần có những giải pháp để ứng phó với tình trạng này, như tăng cường diện tích trồng hồ tiêu, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng. Xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam để nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (6/9), một số vùng trồng trọng điểm trong nước quay đầu giảm mạnh sau chuỗi 6 ngày tăng liên tiếp. Nhập khẩu tiêu của Trung Quốc đang có sự cải thiện trở lại sau quãng thời gian trầm lắng vào nửa đầu năm, điều này hứa hẹn sẽ tác động tích cực đến giá tiêu trong thời gian tới. Mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa dao động quanh ngưỡng 149.500-150.000 đồng/kg. Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk giảm mạnh 3.000 đồng/kg, đạt 150.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai giảm 2.500 đồng/kg, đạt 149.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông giảm 3.000 đồng/kg, đạt 150.000 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng giảm 2.500 đồng/kg, đạt 150.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước cũng giảm 3.000 đồng, đạt 150.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế như sau: Giá tiêu đen Lampung của Indonesia đi ngang, đạt 7.521 USD/tấn; tương tự, giá tiêu trắng Muntok cũng giữ ổn định ở mức 8.855 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil ổn định, đạt 7.500 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia đi ngang, đạt 8.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này cũng đi ngang, đạt 10.400 USD/tấn. Giá tiêu các loại của Việt Nam được giữ ổn định. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.600 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 7.000 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam ổn định ở mức 9.300 USD/tấn. |