Giá đồng và quặng sắt phục hồi nhờ kích thích kinh tế của Trung Quốc
Nhóm kim loại suy yếu, giá quặng sắt vẫn duy trì động lực tăng Áp lực lãi suất cao ‘đè nặng’ lên nhóm kim loại quý Kim loại quý duy trì đà tăng, giá quặng sắt đứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp |
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 16/10, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, bạch kim là mặt hàng tăng giá duy nhất trong nhóm, trong khi vàng và bạc đồng loạt giảm giá. Cụ thể, giá bạch kim tăng 1,72% lên mức 899,4 USD/ounce. Giá bạc đóng cửa tại mức 22,76 USD/ounce sau khi giảm 0,57%. Giá vàng cũng giảm 0,63% về 1.919,44 USD/ounce.
Sau đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước, giá kim loại quý có dấu hiệu suy yếu trong phiên đầu tuần, chủ yếu là do lực bán chốt lời của nhà đầu tư. Tuy vậy, nhóm kim loại quý hiện tại vẫn đang được hỗ trợ bởi lo ngại xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông. Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc chiến giữa Israel và nhóm phiến quân Hamas có thể leo thang khi các tàu chiến Mỹ tiến tới khu vực này.
Ảnh minh họa |
Điều này lý giải cho mức giảm nhẹ của giá vàng và giá bạc trong phiên hôm qua. Riêng đối với bạch kim, mặt hàng này vẫn nhận được mức tăng hơn 1%.
Đồng Rand của Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, đã bật tăng mạnh trong phiên hôm qua khi tăng khoảng 1,2% so với đồng USD. Đồng tiền này giống như hầu hết các loại tiền tệ của thị trường mới nổi, rất dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị. Do đó, việc đồng Rand tăng mạnh sẽ khiến chi phí khai thác bạch kim tại Nam Phi tăng lên. Điều này đồng nghĩa rằng giá bạch kim cũng sẽ tăng để bù đắp vào chi phí khai thác và đảm bảo được biên lợi nhuận. Kỳ vọng trên đã thúc đẩy nhà đầu tư tăng cường mua bạch kim trong phiên.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng và quặng sắt đồng loạt phục hồi trong sắc xanh. Cụ thể, giá đồng COMEX tăng 0,31% lên mức 3,58 USD/pound, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 4 phiên liên tiếp. Giá quặng sắt cũng phục hồi 2,51%, chốt phiên tại mức 117,16 USD/tấn.
Trong phiên giao dịch hôm qua, cả giá đồng và giá sắt đều được hỗ trợ khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc Trung Quốc tiếp tục ban hành biện pháp kích thích kinh tế mới.
Cụ thể, vào sáng ngày 16/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung ròng 289 tỷ nhân dân tệ (tương đương 39,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm. Đây là đợt bơm thanh khoản lớn nhất của PBOC kể từ tháng 12/2020.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang xem xét một đợt kích thích mới nhằm giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, Bộ Tài chính Trung Quốc đã bán 1.200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ trung ương vào tháng 9, cao hơn 60% so với mức trung bình cùng kỳ trong 3 năm qua. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách cũng đang cân nhắc việc bán thêm trái phiếu chính phủ ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, Bloomberg News đưa tin trước đó.
Bên cạnh đó, đối với thị trường quặng sắt, lượng tồn kho quặng sắt thấp tại Trung Quốc cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua trên thị trường. Dữ liệu từ công ty tư vấn Steelhome cho thấy tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc đã giảm 5 tuần liên tiếp, xuống 105,2 triệu tấn tính đến ngày 13/10, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.