Kim loại quý duy trì đà tăng, giá quặng sắt đứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp
Nhóm kim loại lao dốc do áp lực vĩ mô và cung – cầu Giá kim loại quý bật tăng nhờ phát huy vai trò trú ẩn an toàn Căng thẳng tại Trung Đông leo thang, kim loại quý tiếp tục hưởng lợi |
Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều tăng giá với giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 0,82% lên 22,13 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 0,31%, đóng cửa tại mức 893 USD/ounce. Cả giá bạc và giá bạch kim đều ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, giá vàng phục hồi sau phiên giảm trước đó, chốt phiên tại mức 1.873,61 USD/ounce, sau khi tăng 0,73%.
Ảnh minh họa |
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm ngừng tăng lãi suất và tình trạng bất ổn ở khu vực Trung Đông tiếp tục hỗ trợ cho nhóm kim loại quý duy trì được đà tăng giá.
Tâm điểm thị trường hôm qua hướng về báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ, nhằm đánh giá tình hình lạm phát hiện tại. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số PPI của Mỹ trong tháng 9 tăng 0,5% so với tháng trước đó, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, tuy nhiên hạ nhiệt so với mức tăng 0,7% của tháng 8.
Chỉ số PPI tháng 9 tăng chủ yếu do chi phí năng lượng tăng cao hơn, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, áp lực lạm phát tại khu vực cổng nhà máy vẫn duy trì ở mức ổn định. Do đó, thị trường không phản ứng quá mạnh với số liệu lạm phát này, đặc biệt là trong bối cảnh các quan chức FED liên tục đưa ra những quan điểm “ôn hòa” về chính sách tiền tệ trong thời gian gần đây. Kể từ tuần trước tới nay, đã có 5 quan chức ủng hộ việc FED không cần tăng thêm lãi suất.
Đáng chú ý, biên bản cuộc họp lãi suất tháng 9 được công bố vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam cũng cho thấy các quan chức FED đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất, do sự bất ổn trong nền kinh tế Mỹ ngày càng gia tăng.
Do đó, việc các quan chức FED liên tục đưa ra những bình luận “ôn hòa” cùng với biên bản họp không đưa ra gợi ý cụ thể về chính sách tiền tệ sắp tới, các nhà đầu tư đang tăng cường đặt cược vào việc FED sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11, với tỷ lệ lên tới 91%, theo công cụ CME FedWatch. Nhóm kim loại quý vốn nhạy cảm với lãi suất của FED vì thế cũng được hưởng lợi.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm hai phiên liên tiếp khi giảm 0,61% xuống 3,61 USD/pound. Trái lại, giá quặng sắt phục hồi 1,23% lên 116,43 USD/tấn, chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp.
Yếu tố gây sức ép chính đối với nhóm kim loại cơ bản, trong đó có hai mặt hàng chủ chốt là đồng và quặng sắt, vẫn là nhu cầu tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc. Tuy vậy, lực mua quặng sắt đã tăng mạnh trong phiên hôm qua do có tin đồn Trung Quốc đang chuẩn bị một đợt kích thích mới để hỗ trợ nền kinh tế.
Cụ thể, theo một báo cáo, tòa án cấp cao nhất của Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn nhằm cải thiện môi trường pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách tăng thâm hụt ngân sách cho năm 2023 khi chính phủ chuẩn bị đưa ra một đợt kích thích mới để giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm, theo Bloomberg News đưa tin.
Sắt thép vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do đó, kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã hỗ trợ cho giá quặng sắt tăng tốt trong phiên giao dịch hôm qua.