Đưa du lịch văn hóa trở thành sản phẩm quan trọng
Du lịch văn hóa: Cần cả tâm và tầm Tuyến du lịch văn hóa Hà Nội - Bắc Giang: Thêm hành trình khám phá cho du khách |
Du lịch văn hóa được UNESCO định nghĩa là loại hình du lịch trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể tại điểm đến du lịch. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm.
Với Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn Du lịch toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” ngày 14/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước và yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong đó, tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh đến quan điểm ‘’Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…’’ đồng thời xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao’’.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: Đảng ta đã xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thời gian qua, với những chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách về phát triển du lịch văn hóa thuận lợi, loại hình du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan. Những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền...
Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh ‘Ký ức Hội An’’, ‘’Áo dài’’, ‘’Tinh hoa Bắc Bộ’’, ‘’Múa rối nước’’, ‘’À Ố Show’’. Ngoài ra, các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam. Du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế.
Đánh giá thêm về du lịch văn hoá, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh, đến tận năm 1980, du lịch và văn hóa là 2 mảng riêng biệt. Sau đó quan hệ văn hóa và du lịch thay đổi nhanh chóng. "Vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch và tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến đã rõ ràng hơn và tài nguyên văn hóa đã được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương”- ông Bình nói.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết thêm, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich cùng Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đang xây dựng chương trình Việt Nam huyền sử ca, dễ thưởng thức, dễ lan tỏa, đưa những cái mới nhất của công nghệ vào; tính giáo dục; tính thẩm mỹ, nằm trong tổng thể để chương trình thu hút được khách.
Ngoài ra, “Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023; sẽ tổ chức hội nghị cùng chủ đề vào cuối tháng 5/2023, đề cập đến mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực du lịch - điện ảnh. Thông qua đó, quảng bá trực tiếp các sản phẩm du lịch khách sạn gắn với điện ảnh, để các phim Việt Nam quảng bá ra nước ngoài có thương hiệu du lịch Việt Nam trong đó”- ông Đông cho hay.
Với vai trò quan trọng của du lịch văn hoá, thời gian tới, ông Nguyễn Trùng Khánh nêu một số giải pháp cần tập trung triển khai, như: Chính sách, chủ trương, kế hoạch hành động khai thác giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, nghề truyền thống... phục vụ phát triển du lịch cần phải được các địa phương thật sự quan tâm, ban hành triển khai cụ thể; Công tác phối hợp giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lĩnh vực du lịch cần được chú trọng, tăng cường và đảm bảo thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Khánh, nguồn nhân lực du lịch cần được nâng cao về chất lượng, phát triển về số lượng đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng phải chuyên nghiệp, hiệu quả. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phải được quan tâm, được đầu tư tương xứng tại các địa điểm có di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà hát, trung tâm điện ảnh, làng nghề thủ công truyền thống.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông: Với du lịch trong nước, chúng tôi cũng rất muốn đưa thêm văn hóa vào du lịch để nhân dân có thể hiểu thêm, hiểu sâu, hiểu kỹ những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc làm này mang tính giáo dục một cách mềm mại, rất thu hút cũng như thích hợp cho tất cả các tầng lớp nhân dân. |