Hàng tồn giảm, cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam
Bên cạnh đó, hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm...
Thủy sản, dệt may bứt tốc
Những ngày này, hàng trăm công nhân của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đều đặn đến nhà xưởng để chế biến tôm xuất sang thị trường EU và Hàn Quốc. Dù không được tăng ca nườm nượp như trước, song, việc có đơn hàng, có công ăn việc làm đã là niềm vui của cả công nhân lẫn chủ doanh nghiệp.
Xuất khẩu dệt may có nhiều tín hiệu tích cực về đơn hàng |
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta - cho biết, đầu quý III là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam, bởi các đối tác nước ngoài đều tăng mua dự trữ vì theo quy luật cung cầu, sắp tới chắc chắn tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước. Nền tảng đáng lưu ý nữa là sắp tới sẽ là mùa tiêu thụ cao điểm, nhất là giai đoạn Noel và mừng năm mới.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony - cho biết: Gần đây chúng tôi đã tìm thấy một thị trường mới ở rất sát chúng ta, đó là thị trường Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia và Campuchia. Đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh rất dữ dội nhưng vẫn có thể làm được và có cái thuận lợi về logistics. Chúng tôi vừa ký được một đơn hàng với thị trường Malaysia.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết, sau nhiều tháng ảm đạm, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm của ngành dệt may sẽ cải thiện và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ đạt 40 tỉ UỷD trong năm 2023.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.
Đối với ngành hoa quả xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group - cho hay, cơ hội xuất khẩu cuối năm khả quan, đặc biệt là sầu riêng.
"Hiện chỉ khoảng 300 triệu người Trung Quốc tiếp cận được sầu riêng. Nếu giá bán tốt hơn, bình ổn hơn, tiêu thụ sầu riêng còn tăng mạnh" - ông Tùng nói.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện mỗi năm Việt Nam xuất qua Mỹ tối đa khoảng 250 triệu USD rau quả. Nếu cải tiến công nghệ bảo quản, đẩy mạnh các mặt hàng có hạn sử dụng dài, đi sâu chế biến thì kim ngạch qua Mỹ sẽ còn tăng mạnh.
Kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho rằng, từ khi bước sang quý III, hoạt động xuất khẩu đã có sự khởi sắc nhờ vào việc hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm.
Cụ thể như tại Mỹ, 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10% và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh các thị trường quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU…, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 1,2%, ước đạt 5,19 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 1,1%, đặc biệt là thị trường Bắc Phi tăng tới 11,8%...
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại để tiếp tục mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan ban ngành và địa phương thúc đẩy các chương trình phát triển thị trường nội địa...