Doanh nghiệp tuần qua: GSM của Vingroup tròn 1 tuổi, "tuyên chiến" với Grab, Gojek...
Tân Cảng Sài Gòn muốn được cấp vốn tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng Làm gì để giữ chân “đại bàng” đầu tư nước ngoài? Những đề xuất mới cho phát triển thị trường bất động sản Việt Nam |
Lời "tuyên chiến" của GSM
Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM) của Vingroup ra đời ngày 6/3/2023, đồng nghĩa với việc vừa bước qua tuổi đầu tiên. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khi công bố thành lập GSM đã kỳ vọng đây sẽ là đơn vị cho thuê phương tiện giao thông xanh và taxi đa nền tảng đầu tiên trên thế giới.
GSM hoạt động trong hai mảng chính, cho thuê ôtô, xe máy điện và lập hãng taxi điện, vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng, trong đó vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam góp toàn bộ bằng cổ phiếu VIC.
Trong cuộc chiến với những hãng xe công nghệ như Grab, Gojek hay Be, GSM tỏ ra "sòng phẳng" khi cung cấp không thiếu dịch vụ gì so với các đối thủ trên như gọi xe ô tô, xe máy, giao hàng... |
Trong suốt một năm qua, dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng hãng taxi điện này cũng đã có những dấu ấn nhất định trên thị trường. Đặc biệt là khi chuyển mình sang mô hình mới tương tự Grab - được công bố vào đúng ngày 6/3.
Theo đó, Chủ tịch của Vingroup "tuyên chiến" với cả các hãng taxi truyền thống và cách hãng taxi công nghệ. Đầu tiên, GSM sẽ hoạt động theo mô hình một hãng taxi truyền thống ứng dụng công nghệ 'khủng', tự xây dựng cho mình một đội xe "hùng hậu", bao gồm cả xe ô tô lẫn xe máy.
Ưu điểm của Xanh SM so với taxi truyền thống đó chính là đơn vị này còn cho ra mắt cả ứng dụng gọi xe - giống như các hãng xe công nghệ nhưng lại cung cấp thêm cả dịch vụ xe máy, giao hàng.
Còn trong cuộc chiến với những hãng xe công nghệ như Grab, Gojek hay Be, GSM cũng tỏ ra "sòng phẳng" khi cung cấp không thiếu dịch vụ gì so với các đối thủ trên như gọi xe ô tô, xe máy, giao hàng... Nhưng một lợi thế của GSM so với các đối thủ này là công ty này có lượng xe sẵn cố định phục vụ, không phụ thuộc vào mức giá.
Viettel Post mở rộng đầu tư logistics tại Trung Quốc
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã chính thức ký kết thỏa thuận với TP. Bằng Tường (Trung Quốc) để hợp tác thành lập Văn phòng đại diện và xây dựng trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN. Trước đó, Viettel Post cũng đã ký với chính quyền TP. Nam Ninh về việc tập trung hợp tác phát triển logistics và thương mại xuyên biên giới Trung Quốc-Việt Nam.
Đây là những bước tiến của Viettel Post sau nỗ lực triển khai chiến lược quy hoạch hạ tầng logistics bao gồm công viên - trung tâm logistics, kho ngoại quan, cảng cạn để kết nối các vùng nguyên liệu, vùng nông nghiệp, thủy hải sản với điểm kết nối giao thông đường sắt, đường biển, cảng hàng không và các cửa khẩu để giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa.
Từ ngày 5 - 7/3, Viettel Post đã làm việc cùng chính quyền thành phố và các doanh nghiệp tại Nam Ninh và Bằng Tường để đi đến các thỏa thuận chính thức.
Tại Nam Ninh, Viettel Post kí kết hợp tác với chính quyền thành phố. Đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp chủ lực xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, Viettel Post là đơn vị logistics đầu tiên của Việt Nam hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung quốc để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới vận chuyển xuyên biên giới nhằm tối ưu chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, và nâng cao vị thế logistics của Việt Nam trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Tiếp theo đó, tại TP. Bằng Tường, Viettel Post cũng đã đạt được thỏa thuận với các doanh nghiệp với 3 nội dung chính. Thứ nhất, hai bên hợp tác khai thác hiệu quả vận tải đa phương thức chuyển đổi giữa đường bộ-đường sắt liên vận Yên Viên - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh.
Thứ hai, hai bên hợp tác thành lập Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN. Thứ ba, hai bên sẽ học hỏi, trao đổi thiết kế, kỹ thuật, công nghệ để cùng thúc đẩy phương án triển khai cửa khẩu thông minh.
Tỷ phú Trần Đình Long mời nhà đầu tư đến thăm khu liên hợp Gang thép Hòa Phát - Dung Quất
Mới đây, theo thông báo từ Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), doanh nghiệp này sẽ mời và tổ chức đón hơn 800 nhà đầu tư đăng ký tham quan Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát - Dung Quất. Con số này gấp 3 lần so với dự kiến.
Ngoài ra, số lượng người đăng ký này cũng lớn gấp 2 lần số cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (418 người) và gấp rưỡi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (508 người).
Lượng công việc chuẩn bị rất lớn để đảm bảo an toàn cũng như công tác hậu cần chu đáo trong 3 ngày, Hòa Phát chủ trương thiết kế chương trình để nhà đầu tư tham quan được nhiều điểm nhất, tìm hiểu sâu nhất về khu liên hiệp Gang thép Hòa Phát - Dung Quất, chứng kiến tận mắt thành quả của công ty mình đầu tư.
Trong chương trình thăm khu liên hợp Hòa Phát - Dung Quất dành cho nhà đầu tư, ngoài phần hỏi đáp với ban lãnh đạo tập đoàn, nhà đầu tư được thiết kế tour tham quan bằng ô tô đi một vòng dự án, qua các điểm chính trong chu trình sản xuất thép khép kín như nhà máy Luyện Gang, nhà máy sản xuất thép HRC, khu vực lò cao, nhà máy luyện cốc, cảng biển.
Nhà đầu tư sẽ được tận mắt chứng kiến khu liên hợp Dung Quất 1 đã hoàn thành quy củ và Dung Quất 2 đã thành hình, các dây chuyền máy móc đang được khẩn trương lắp đặt để sẵn sàng vận hành vào cuối 2024 và đầu 2025.
Gelex đặt mục tiêu lãi 1.921 tỷ đồng năm 2024
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ vừa công bố, năm nay, Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng.
Đánh giá về năm 2023, Hội đồng quản trị (HĐQT) Gelex cho rằng, 2023 tiếp tục là một năm nhiều biến động và khó khăn của kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Gelex đã bám sát các định hướng trọng yếu được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, chủ động thích ứng và linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh để ứng phó, kiểm soát hiệu quả rủi ro, củng cố nội lực và hoạch định nhiều chiến lược hướng đến phát triển bền vững.
Kết thúc 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Gelex đạt 29.998 tỷ đồng, tương đương 80% so với kế hoạch đặt ra và bằng 93,5% thực hiện 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.397 tỷ đồng, vượt 9,8% so với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2023 phê duyệt.
Năm 2024, đánh giá bối cảnh nền kinh tế vĩ mô dự kiến sẽ phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, Gelex đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng, Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện 2023.