Làm gì để giữ chân “đại bàng” đầu tư nước ngoài?
Hà Nội: Khẳng định điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài 84 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài 3 giải pháp tạo đột phá cho thu hút đầu tư nước ngoài |
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 vừa diễn ra, câu chuyện chính sách để giữ chân các doanh nghiệp lớn về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thêm một lần nêu lên như một đề bài lớn của nền kinh tế trong năm 2024.
Mặc dù bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài đã đảo chiều tích cực ở nửa sau của năm 2023 cũng như tiếp đà cho các tháng đầu năm 2024 ở một mức rất cao nhưng sự lo lắng, quyết liệt trong chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ không phải không có lý do.
Việt Nam cần chú trọng tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút vốn đầu tư nước ngoài |
Bởi mặc dù hiện vẫn được nhìn nhận là một điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài nhưng bối cảnh đảo chiều, xoay hướng có thể xảy đến rất nhanh. Một diễn biến bất lợi, một xung đột bùng phát là những diễn biến bề nổi trong khi cuộc đọ sức, cọ sát về cải thiện không gian thu hút đầu tư ngay tại các nước trong khu vực đang rất quyết liệt là những diễn biến chìm có thể đe doạ ngôi vị về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Cần nói thêm là giới đầu tư nước ngoài ngày càng theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế cùng các nội dung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Một chính sách được ban hành đúng, trúng, kịp thời có thể không chỉ có tác dụng lâu dài, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư hiện hữu mà còn tạo hiệu ứng lan toả dây chuyền tới quyết định “xuống tiền” với các nhà đầu tư tiềm năng khác.
Việc thu hút, giữ chân các tập đoàn lớn của Việt Nam trong năm 2023 cho thấy cùng lúc phải giải hai bài toán, vừa giữ chân được các “đại bàng”, vừa tạo niềm tin và cơ sở để đón các xu thế đầu tư mới. Hai bài toán này tập trung ở ba lĩnh vực.
Lĩnh vực thứ nhất là hạ tầng và đất đai. Đây không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp và người dân Việt Nam mà cả các nhà đầu tư nước ngoài hết sức mong chờ và quan tâm, nhất là khi yêu cầu của nhà đầu tư về hạ tầng ngày càng cao, đặc biệt là liên quan đến các thủ tục hành chính. Một trục trặc nhỏ có thể không kéo dài của chúng ta song có thể là cả một vấn đề với nhà đầu tư.
Lĩnh vực thứ hai là nguồn nhân lực và có được các giải pháp đột phá càng sớm càng tốt. Đặc biệt ở những lĩnh vực mới tiềm năng như công nghiệp bán dẫn, vấn đề trình độ nguồn nhân lực cao càng đòi hỏi gắt gao. Tin vui là nhiều “ông lớn” về công nghệ nước ngoài đã bày tỏ mong muốn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam gây dựng và đào tạo đội ngũ kỹ sư phần mềm như việc mới đây, Tập đoàn Siemens đã trao các phần mềm bản quyền liên quan đến thiết kế chip bán dẫn cho một số cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
Lĩnh vực thứ ba là tập trung thực hiện các đột phá về thể chế. Có thể nói ở đây chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng so với đòi hỏi của tình hình, của thực tiễn thì câu chuyện “thể chế” vẫn đang là một đòi hỏi không ngừng nghỉ.
Ở đây, cái quan trọng hơn nữa, cần nghiên cứu tập trung sâu hơn là những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, đủ độ hấp dẫn và tối ưu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Một tín hiệu đáng mừng là sau một năm vắng bóng, câu chuyện cải cách môi trường kinh doanh lại được đặt lại đúng vị trí như một chương trình cải cách mang tầm quốc gia với việc Chính phủ có Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Vấn đề hiện nay là thực hiện rốt ráo các giải pháp thúc đẩy ba lĩnh vực nêu trên. Bởi thời gian không đợi chúng ta và đương nhiên, các nhà đầu tư cũng không thể chờ đợi chúng ta quá lâu.