Doanh nghiệp tuần qua: DIG dự định tung 410 triệu cổ phiếu mới ra thị trường
Hơn 410 triệu cổ phiếu DIG sẽ "đổ bộ" thị trường
Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HOSE: DIG) dự định phát hành 410,5 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên 10.203,4 tỷ đồng. Nếu thành công, số lượng cổ phiếu DIG lưu hành trên thị trường là hơn 1.020,3 triệu cổ phiếu. Việc tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ được DIC Corp thực hiện thông qua 4 phương án phát hành cổ phiếu.
Thứ nhất, DIG chào bán 200 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 32,794%, tương ứng cổ đông sở hữu 1000 cổ phiếu sẽ nhận 327,9 quyền mua.
DIC Corp sẽ phát hành 410,5 triệu cổ phiếu, số tiền huy động dự kiến là 6.450 tỷ đồng dùng trả nợ và dồn lực vào 4 dự án trọng điểm tại Vũng Tàu, Hậu Giang, Hà Nam và Vĩnh Phúc |
Số tiền 3.000 tỷ đồng huy động được, DIG dùng 900 tỷ đồng để thanh toán gốc và lãi các trái phiếu phát hành năm 2021, thời gian dự kiến vào quý III - IV/2024. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự chi 1.315 tỷ đồng đầu tư để đầu tư dán Khu phức hợp Cap Saint Jacques - giai đoạn 2 và 3 tại TP. Vũng tàu, thời gian dự kiến quý IV/2024 - 2025.
Cuối cùng, DIG sẽ dùng 965 tỷ đồng còn lại để đầu tư dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh tại tỉnh Hậu Giang, thời gian vào quý IV/2024 - 2026.
Thứ hai, DIG phát hành 30,5 triệu cổ phiếu, trong đó, 50% dưới dạng trả cổ tức nguồn lợi nhuận chưa phân phối và 50% từ nguồn vốn chủ sở hữu (thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển. Tổng cộng, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu mới.
Thứ ba, ESOP 30 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, giá 15.000 đồng/cp. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Số tiền huy động dự kiến là 450 tỷ đồng.
Thứ tư, DIC Corp chào bán riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp (dưới 100 nhà đầu tư), với mức giá không dưới 20.000 đồng/cp. Cổ phiếu trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Tổng hợp lại, DIC Corp sẽ phát hành 410,5 triệu cổ phiếu, số tiền huy động dự kiến là 6.450 tỷ đồng dùng trả nợ và dồn lực vào 4 dự án trọng điểm tại Vũng Tàu, Hậu Giang, Hà Nam và Vĩnh Phúc.
Techcombank sẽ trả cổ tức tiền mặt
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2024, dự kiến tổ chức ngày 20/4 tới tại Hà Nội.
Theo tài liệu ĐHCĐ, Techcombank đã đề cập đến phương án trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ hấp dẫn. Theo ban lãnh đạo, với lợi nhuận để lại của năm 2023, sau trích lập các quỹ, Techcombank vẫn còn nguồn tiền lớn để có thể chia cổ tức cho cổ đông.
Vì vậy, Hội đồng quản trị (HĐQT) trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 là 15%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng, tính trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt.
Với tỷ lệ cổ tức này, ước tính Techcombank sẽ chi ra khoảng 5.284 tỷ đồng. Nguồn tiền để chia cổ tức đến từ lợi nhuận chưa phân phối của Ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2023.
Song song đó, HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ bao gồm: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).
Phương án phát hành dự kiến theo phương thức thực hiện quyền. Đối tượng phát hành là tất cả cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu từ việc tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Thời gian dự kiến hoàn thành tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu là trong năm 2024 hoặc cho đến khi Techcombank hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đức Giang lập kế hoạch lợi nhuận 3.100 tỷ đồng
Tại ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức vào ngày 29/03/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng, tăng gần 5% so với thực hiện năm 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt 3.100 tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm 2023.
Đáng nói, mục tiêu trên được đánh giá là khá thận trọng khi Hóa chất Đức Giang đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ hưởng lợi từ nhu cầu chip và phốt pho vàng cao trong làn sóng đầu tư vào công nghệ bán dẫn.
Ngoài ra, Hoá chất Đức Giang cũng dự kiến dành 500 tỷ đồng để xây dựng Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn giai đoạn 1. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu và khảo sát để có giấy phép đầu tư cho dự án Alumin. Ngoài ra, 10 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho việc mở rộng, nâng cấp trữ lượng tại Khai trường 25.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp dự trình cổ đông kế hoạch sáp nhập Công ty Phốt pho 6 vào Công ty TNHH Hóa chất Đức Giang Lào Cai và nghiên cứu sáp nhập Công ty CP Phốt Pho Apatit Việt Nam (PAT) vào Hoá chất Đức Giang. Tuy nhiên, khả năng sáp PAT vào công ty mẹ vẫn được để ngỏ do lý do đóng thuế lớn và một số cổ đông của công ty con cũng lo ngại về việc khả năng giảm cổ tức.
Thông tin về dự án Bô-xít tại Đắk Nông, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hoá chất Đức Giang cho hay, doanh nghiệp đã ký MOU với UBND tỉnh Đắk Nông. Vị Chủ tịch này khẳng định, đây phải nói là một dự án lớn của Hoá chất Đức Giang và doanh nghiệp đã đủ nguồn lực để thực hiện, không chỉ dừng lại ở vốn đầu tư 1 tỷ USD ban đầu mà còn đến từ nguồn vốn vay 14.500 tỷ đồng từ Vietcombank và 10.000 tỷ tiền mặt huy động từ cổ đông.
Tuy nhiên, đây là một dự án rất nhạy cảm về an ninh chính trị, văn hoá đồng bào và cũng cần nhiều ý kiến của các bộ, ban, ngành và Chính phủ nên để đưa ra kế hoạch xây dựng là rất khó. Hoá chất Đức Giang kỳ vọng sẽ có được giấy chứng nhận đầu tư trong ít nhất 2 năm nữa. Cộng thêm 2 năm xây dựng, sẽ cần ít nhất 4-5 năm để đưa dự án vào hoạt động.
Chủ tịch Đào Hữu Huyền xác định, đây sẽ là "quả đấm thép" của Hoá chất Đức Giang trong vòng 30 - 40 năm nữa. Đây cũng là một trong số những lý do khiến doanh nghiệp này quyết "ôm chặt" bịch tiền gửi 10.000 tỷ đồng.
Vinfast tiến vào thị trường Thái Lan
VinFast chính thức ký kết ý định thư hợp tác với 15 đại lý đầu tiên tại Thái Lan. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới phân phối và nâng cao sự hiện diện của VinFast, góp phần khẳng định vị thế và sức hút của thương hiệu Việt Nam tại thị trường ô tô hàng đầu khu vực.
Việc ký kết thành công với 15 đại lý mở ra cơ hội khai thác tiềm lực to lớn tại Thái Lan, một trong những thị trường ô tô hàng đầu khu vực. Bước đi này cũng phù hợp với mục tiêu mở rộng mạng lưới bán hàng trên toàn cầu, tăng trưởng doanh thu và tối ưu chi phí của VinFast trong năm 2024.
Các đại lý tại Thái Lan dự kiến kinh doanh các mẫu VF e34, VF 5, VF 6 và VF 7 trong giai đoạn đầu, ngay sau khi những mẫu xe này ra mắt tại thị trường. Thời gian nhận đặt hàng, giá cả và chính sách hậu mãi sẽ được chính thức công bố trong năm 2024. Ngoài ra, các đại lý Thái Lan cũng sẽ kinh doanh các sản phẩm xe máy điện của VinFast.
Cũng theo thoả thuận, VinFast và các đại lý sẽ tích cực làm việc để hướng tới khai thác 22 showroom, tập trung ở những tuyến đường lớn tại Vùng đại đô thị Bangkok. Với tỷ lệ giao thông điện hóa cao và cơ sở hạ tầng trạm sạc phát triển, đây là khu vực mũi nhọn trong chiến lược mở rộng của VinFast tại thị trường Thái Lan nhằm tận dụng lợi thế từ dải sản phẩm xe điện đô thị đa dạng.
Ngoài thủ đô Bangkok và năm tỉnh lân cận thuộc Vùng đại đô thị, mạng lưới đại lý của VinFast cũng sẽ mở rộng sang các thành phố lớn như Chiang Mai, Khon Kaen, Ubon Ratchathani, Ayutthaya và Chonburi. Thông qua hệ sinh thái xe điện toàn diện và các giải pháp di chuyển xanh đa dạng, thông minh, VinFast sẽ đáp ứng trọn vẹn nhu cầu di chuyển linh hoạt và thân thiện với môi trường của người tiêu dùng Thái Lan.
Việc nhanh chóng mở rộng mạng lưới đại lý đã khẳng định vị thế và khả năng bứt tốc mạnh mẽ của VinFast tại thị trường Thái Lan. Khởi đầu này cho thấy tiềm lực phát triển to lớn của VinFast và củng cố vị thế dẫn dắt của hãng xe điện Việt Nam trong làn sóng chuyển đổi xanh trên khu vực và toàn cầu.