Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Việt Nam lọt top 10 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa sáng tạo
Nhà ở là 1 trong 3 trụ cột an sinh xã hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước ta xác định xây dựng, phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).
Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp", công dân có quyền có nơi ở hợp pháp".
Ảnh minh họa |
Giá dầu thế giới chạm mức cao nhất 4 tháng
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 14/3, chạm mức cao nhất trong 4 tháng, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán thị trường sẽ thắt chặt hơn vào năm 2024 và nâng dự báo về mức tăng nhu cầu dầu trong năm nay.
Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2024 tăng 1,39 USD, tương đương 1,7%, lên 85,42 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 6/11/2023. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao tháng 4/2024 cũng tăng 1,54 USD, tương đương 1,9%, chốt ở mức 81,26 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng gần 3% vào phiên 13/3.
Cùng ngày, IEA nâng dự báo về mức tăng nhu cầu dầu năm 2024 lần thứ tư kể từ tháng 11/2023, khi các cuộc tấn công của Houthi làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ, song cảnh báo rằng "sự suy thoái kinh tế toàn cầu đóng vai trò là một trở ngại bổ sung cho nhu cầu sử dụng dầu".
Lập đường dây nóng tiếp nhận vướng mắc gói 120.000 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tỉnh/thành phố lập đường dây nóng tiếp nhận những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng gói 120.000 tỷ vay mua nhà ở xã hội.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội đặt mục tiêu cho vay, giải ngân đúng đối tượng, có thể kéo dài một vài năm, không phải giải ngân gấp, nhưng những dự án đủ điều kiện phải được giải ngân ngay. Vấn đề mấu chốt để thúc đẩy giải ngân là cần tạo điều kiện cho "nguồn cầu tiếp cận được nguồn cung", đẩy mạnh nguồn cung, hạn chế các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.
Theo đại diện các ngân hàng thương mại, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng này là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án… Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sáng tạo đạt 14.153 triệu USD
Sáng 12/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”.
Theo thống kê của đại diện CIEM, Top 10 nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu bao gồm: Mỹ, Italia, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Ba Lan, Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Nhật Bản với tổng 176.704 triệu USD, chiếm 33,7% tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo trên thế giới.
Trong khi đó, Top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Thái Lan với tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo đạt 276.997 triệu USD, chiếm 33,7% tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới.
Như vậy, theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam nằm trong Top 3 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu với 14.153 triệu USD.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu
Ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu thành công 14.999,7 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm.
Theo đó, đã có 12 thành viên trúng thầu trên tổng số 13 thành viên tham gia theo phương thức đấu thầu lãi suất, xét thầu đơn giá. Tín phiếu sẽ được đáo hạn vào ngày 10/4/2024.
Trước đó, ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mở lại kênh đấu thầu tín phiếu, hút gần 15.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống sau 4 tháng tạm ngưng nghiệp vụ này.
Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư.
Theo các chuyên gia, việc hút tiền qua tín phiếu sẽ khiến một lượng tiền không lưu thông đi từ hệ thống ngân hàng thương mại vào Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động này không tác động tới thanh khoản chung hay cung cầu ngoại tệ mà gián tiếp tác động lên tỷ giá.