Doanh nghiệp tuần qua: VinFast đặt mục tiêu hòa vốn 2025, cổ phiếu FLC nhen nhóm trở lại sàn
VinFast đặt mục tiêu hòa vốn vào năm 2025
Tại Hội nghị Công nghệ Xanh châu Á diễn ra tuần qua, bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast đã thảo luận về chi phí môi trường của xe điện, vai trò của phương tiện giao thông công cộng và kế hoạch hòa vốn của công ty vào năm 2025.
Hiện nay, hàng loạt công ty đã bước vào cuộc chơi xe điện trên toàn cầu, khi niềm yêu thích với các dòng xe xăng dần suy yếu. Tuy vậy, ngay cả các ông lớn như Tesla và Toyota cũng phải chứng tỏ bản thân ở lĩnh vực mới mẻ này. Và VinFast – một công ty mới sản xuất xe điện vào năm 2021 đang cố gắng tạo chỗ đứng trong ngành xe hơi toàn cầu.
VF Wild - mẫu xe bán tải đầu tiên được VinFast công bố đầu năm 2024, khẳng định cam kết mạnh mẽ của VinFast trong việc mở rộng dải sản phẩm và thúc đẩy di chuyển bền vững thông qua các mẫu xe điện thông minh, đa dụng, an toàn và dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi người |
Khi được hỏi làm sao VinFast chiếm được niềm tin của khách hàng, Vị nữ Chủ tịch cho biết hãng sẽ tập trung vào thị trường Việt Nam. Tại đây, 80% khách hàng của công ty thuê pin, từ đó giúp giá xe điện ngang với các dòng xe chạy xăng.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, vị nữ Chủ tịch cho biết hãng xe điện VinFast đặt mục tiêu hòa vốn vào năm 2025. Theo chia sẻ của bà Thủy, VinFast đã có dòng thu nhập ổn định từ việc cho thuê pin, vốn cũng có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy doanh số bán xe ở thị trường mới.
Ưu tiên khác của VinFast hiện là giảm chi phí nguyên vật liệu khoảng 40% trong 2 năm sau khi ra mắt xe, một nửa thông qua kỹ thuật và một nửa đến từ giảm giá nhập nguyên vật liệu.
Cho năm 2024, VinFast đặt mục tiêu bàn giao 100.000 xe nhờ mạng lưới phân phối ngày càng mở rộng cũng như hướng tới cân bằng giữa tăng trưởng doanh thu và tối ưu hóa chi phí, dựa trên nền tảng tối ưu hóa chi phí sản xuất và vật liệu, đồng thời đầu tư chiến lược vào các thị trường tiềm năng trong khu vực.
Sau khi đặt nền móng tại các thị trường như Mỹ, Canada và một số nước châu Âu, kế hoạch mở rộng toàn cầu của VinFast năm nay sẽ tập trung vào các thị trường toàn cầu khác, bao gồm những thị trường tiềm năng gần Việt Nam như Indonesia và Ấn Độ. Bước đi này phù hợp với chiến lược tối ưu hóa chi phí vốn, bao gồm các mục tiêu tối ưu hóa chi phí sản xuất và vật liệu.
Dệt may Garmex thanh lý tài sản, chuyển hướng làm bất động sản để tồn tại
Trong “tâm thư” gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) cho biết trong năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng để hoạt động, dẫn đến doanh thu không đủ để bù đắp chi phí.
Tính từ tháng 5/2023 đến nay, Công ty đã tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do chưa nhận được đơn hàng. Hiện tại, GMC chỉ giữ lại nhân sự kho của các nhà máy và một số nhân viên nghiệp vụ gián tiếp để bảo quản hàng lưu kho, rà soát các tài sản không còn dùng để chuẩn bị thanh lý nên vẫn phát sinh chi phí cho ngành hàng may dù không có doanh thu.
Để “cầm cự” trong bối cảnh khó khăn, Công ty đã bán thanh lý một số máy móc thiết bị hư hỏng theo hình thức chào giá cạnh tranh. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đấu giá thêm xe ô tô, xe tải, máy thêu, máy giặt, máy sấy công nghiệp nhưng chỉ đấu giá thành công lô máy giặt, máy sấy công nghiệp.
Bên cạnh động thái thanh lý tài sản, GMC hiện đang tìm hướng đi mới. Sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bổ sung ngành nghề kinh doanh mới, Công ty đã tham gia hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và chỉ còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động này.
Bên cạnh đó, Công ty còn đẩy mạnh tham gia mảng bất động sản khi góp thêm hơn 4,3 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Phú Mỹ - công ty liên kết của Công ty, đồng thời là chủ đầu tư của dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ. Tổng số vốn mà Công ty đã góp vào công ty liên kết này tính đến thời điểm hiện tại là gần 24 tỷ đồng.
Vào ngày 26/2/2024 vừa qua, GMC thông báo sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản từ ngày 25/3 - 15/4/2024, theo danh sách chốt ngày 15/3/2024.
Theo đó, Garmex có kế hoạch chuyển nhượng thửa đất hơn 5ha tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty và chuyển nhượng thửa đất 2,6ha tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam (công ty con do Garmex sở hữu 100% vốn).
Hoàn thành mục tiêu lợi nhuận, REE mạnh tay chia cổ tức
Trong năm 2023, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) mang về 8.570 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.786 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 9% và 21% so với năm trước. Kết quả này mặc dù không hoàn thành mục tiêu doanh thu 10.962 tỷ đồng được ban lãnh đạo đề ra trước đó, tuy nhiên, công ty vẫn chinh phục được kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2.700 tỷ đồng.
Với những gì đạt được trong năm 2023, Tập đoàn đã mạnh tay chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu. Theo đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tới đây, REE dự kiến trình ĐHCĐ thường niên về kế hoạch chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, bao gồm 10% bằng tiền mặt, dự kiến thanh toán vào tháng 4/2024 và 15% bằng cổ phiếu, dự kiến trong năm 2024. Kế hoạch cổ tức năm 2024 dự kiến được thực hiện với tỷ lệ 10%.
Với kế hoạch trên, công ty dự chi 355 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 10% tương ứng cổ đông được nhận 1.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phát hành thêm 61,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Hiện vốn điều lệ của REE đạt mức 4.097 tỷ đồng. Nếu hoàn tất đợt trả cổ tức trên, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên khoảng 4.710 tỷ đồng.
Mặc dù Ban Tổng giám đốc REE nhận định năm 2024 là một năm đầy thách thức và khó khăn đối với ngành năng lượng Việt Nam, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững. Theo đó, năm 2024, doanh nghiệp này đặt mục tiêu mang về 10.588 tỷ đồng doanh thu, 2.409 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 23,5% và 10,1% so với thực hiện năm 2023.
FLC tìm được đơn vị kiểm toán, cổ phiếu chờ ngày trở lại
Nguyên nhân dẫn tới việc cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin các báo cáo tài chính kiểm toán.
Sau sự kiện khởi tố các lãnh đạo từ đầu năm 2022 đến nay, việc kiểm toán của Tập đoàn FLC bị đình trệ, doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị kiểm toán. Theo ban lãnh đạo công ty, tới nay doanh nghiệp đã tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp là Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán UHY.
Tuy nhiên, vì một số lý do liên quan đến thất lạc hồ sơ, tài liệu, chuyển trụ sở văn phòng, liên hệ nhân sự cũ làm rõ và một số lý do khách quan khác nên đến nay một số nội dung tại báo cáo tài chính năm 2021 vẫn chưa được công ty kiểm toán xác định, làm rõ.
Theo đó, Tập đoàn chưa thể phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 đồng thời cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các năm 2022, 2023.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc công ty chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu tổ chức ĐHCĐ thường niên các năm 2022 và 2023. Để cổ phiếu FLC sớm quay trở lại giao dịch, Tập đoàn FLC vẫn đang nỗ lực phối hợp với đơn vị kiểm toán UHY thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp trên BCTC kiểm toán năm 2021 , làm cơ sở triệu tập ĐHCĐ thường niên 2022.
Sau khi tổ chức thành công, FLC sẽ tiến hành các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật để triệu tập cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023 trong thời gian sớm nhất, từ đó hoàn thiện hồ sơ đưa cổ phiếu FLC giao dịch trở lại trên sàn UPCoM.