Đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu trong trường hợp khó khăn dòng tiền
Đầu tư trái phiếu: Nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro “gắp than hồng” NHNN thanh tra 11 ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp |
Ngày 14/4, ông Nguyễn Hoàng Dương - Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ cam kết với nhà đầu tư.
“Trường hợp khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý”, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết.
Tín hiệu các nhà đầu tư bắt đầu quay lại thị trường
Sau thời gian ảm đạm, gần đây thị trường TPDN hồi phục đáng kể nhờ được hỗ trợ bởi hàng loạt chính sách. Nhiều doanh nghiệp huy động được hàng ngàn tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Tài chính, quý 1/2023, khối lượng TPDN đã được phát hành là 24.708 tỷ đồng, trong đó có tới 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% tổng khối lượng trái phiếu được phát hành sau ngày 6/3 (sau khi Nghị định 08 có hiệu lực). Số liệu này cho thấy Nghị định 08 đã hỗ trợ các nhà phát hành cũng như củng cố niềm tin của thị trường TPDN. Đây cũng là tín hiệu nhận biết các nhà đầu tư đang bắt đầu quay lại với thị trường.
Đại diện Chứng khoán VNDirect cho biết: Trong quý 1/2023 có 14 đợt phát hành TPDN trong nước thành công với tổng giá trị hơn 28.330 tỷ đồng, tăng tới 59% so với quý trước. Cũng theo nguồn dữ liệu này, có tới 9 đợt phát hành riêng lẻ diễn ra sau khi Nghị định 08 ban hành (ngày 5/3), chiếm hơn 97% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý đầu năm. Đặc biệt, bất động sản là nhóm chiếm ưu thế về giá trị phát hành (85,55%), còn lại là ngành Ngân hàng, Xây dựng, hàng tiêu dùng, nông nghiệp...
“Mặc dù thị trường khởi sắc trở lại, song áp lực mua lại TPDN trước hạn của doanh nghiệp phát hành vẫn rất lớn. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3/2023 là gần 14.300 tỷ đồng (tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022)”, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho biết.
Theo đó, xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng 3/2023, lần lượt đạt 5.000 tỷ đồng (chiếm 35% tổng giá trị mua lại) và 3.400 tỷ đồng (chiếm 24% tổng giá trị mua lại). Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022).
Đáng lưu ý, tuần trước, vẫn có tới 21 lô trái phiếu thông báo không thanh toán được đúng hạn. Điều này cho thấy áp lực trả nợ của doanh nghiệp vẫn rất lớn. Trong tháng 4/2023, lượng trái phiếu đến hạn ước khoảng 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định: Thị trường TPDN gặp khó khăn chủ yếu đến từ vấn đề niềm tin của nhà đầu tư, khi trước đó một số doanh nghiệp huy động tiền từ trái phiếu nhưng không sử dụng đúng mục đích...
"NHNN đang phối hợp cùng Bộ Tài chính để giải quyết khó khăn của thị trường trái phiếu, nhằm duy trì thị trường vốn trong dài hạn, giảm gánh nặng cho thị trường tiền tệ, tránh để tình trạng lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn", ông Đào Minh Tú cho biết.
Nỗ lực cân đối dòng tiền, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư
Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết: Thời gian qua, các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát có tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư, thị trường TPDN bị ảnh hưởng nặng nề. Khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, những tin đồn thất thiệt trên thị trường tài chính và khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.
Bộ Tài chính đã làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn và tăng tính thanh khoản của thị trường. Cùng với đó, từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Theo Bộ Tài chính, năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn thanh khoản có thể chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Để ổn định thị trường TPDN tại điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian xây dựng phương án tái cơ cấu nợ và hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.
"Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp phải tự thay đổi, chủ động xếp hạng tín nhiệm và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư", Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết.
Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung (Đoàn thành phố Hà Nội) mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường để kiến nghị Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ triển khai các giải pháp tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN riêng lẻ minh bạch, an toàn, bền vững.
Theo đó, đối với các giải pháp trước mắt, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường vốn. Cùng với đó, NHNN điều hành chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế.
Đối với các giải pháp về tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng hiện chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường này. “Việc tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS sẽ là yếu tố quan trọng để ổn định thị trường TPDN cũng như tín dụng ngân hàng”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Thời gian tới, sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, có lộ trình chủ động áp dụng xếp hạng tín nhiệm TPDN, chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh để tạo niềm tin, thu hút nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Đối với vấn đề theo dõi thanh toán TPDN đến hạn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, đối với vấn đề về phát triển thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, bên cạnh việc chỉ đạo xây dựng và vận hành hệ thống giao dịch TPDN đúng thời hạn, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến phát hành TPDN, trường hợp sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đưa ra các giải pháp trong trung và dài hạn để thị trường TPDN riêng lẻ phát triển ổn định, bền vững hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và NHNN để quản lý giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm thị trường. Ngoài ra, sẽ hoàn thiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Sắp vận hành hệ thống giao dịch thứ cấp trái phiếu riêng lẻ Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội (HNX) cho biết: HNX triển khai xây dựng hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP. HNX dự kiến hoàn thành và sẵn sàng vận hành hệ thống vào tháng 6/2023, đáp ứng đúng yêu cầu Nghị định. Theo đó, HNX đang xây dựng phần mềm, xây dựng hệ thống với các chức năng cơ bản phục vụ hoạt động giao dịch TPDN riêng lẻ, dự kiến hoàn thành và sẵn sàng vận hành vào tháng 6/2023. Phương thức giao dịch là giao dịch thỏa thuận thông qua các thành viên giao dịch. Thông tin về giao dịch được công bố công khai tại chuyên trang thông tin về TPDN riêng lẻ. Cùng với đó, chuyên trang thông tin TPDN đang được HNX nâng cấp để phục vụ hoạt động công bố thông tin về hoạt động phát hành và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Việc hệ thống giao dịch thứ cấp TPDN phát hành riêng lẻ tập trung đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường; đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý và phát triển thị trường, cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn. |