Đại biểu Quốc hội: Quy định cấm lái xe khi có nồng độ cồn là phù hợp
Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vấn đề được dư luận và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Thể hiện thống nhất với quy định xử lý vi phạm nồng độ cồn, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này đã góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Bên cạnh đó, còn góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen đã uống rượu, bia thì không lái xe, tạo được niềm tin rất lớn trong cử tri và nhân dân.
Mặt khác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với quyết tâm không có ngoại lệ, dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành, nếu vi phạm đều bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật để làm gương cho nhân dân, tăng thu ngân sách từ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), ủng hộ quan điểm cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Đại biểu này cho biết, tác hại của người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn có mức từ nghiêm trọng trở lên thì 50% do người lái xe có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
“Theo tôi nên tường minh và giúp người dân dễ chấp hành, có thể dễ dàng tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm. Thế nên giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu, phương án cấm sẽ tường minh và giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nói.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm |
Nếu cho phép có nồng độ cồn vô tình thúc đẩy vi phạm cồn
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, việc cho phép uống rượu dưới một ngưỡng, ở một góc độ nào đó sẽ tạo ra không gian thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm.
“Thứ nhất, về tâm lý hoặc hành vi, nếu đã uống 1 chén rượu thì khả năng uống thêm sẽ cao hơn việc dứt khoát không uống rượu, bia ngay từ đầu. Thứ hai, vì bản thân người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa, cũng như nồng độ cồn thay đổi theo thời gian tính từ lúc uống rượu bia vào cơ thể. Việc quy định có ngưỡng nồng độ cồn vô hình trung lại thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm của người lái xe”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nói.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật an toàn giao thông nói riêng của xã hội ta hiện còn chưa cao. Việc quy định cấm là phù hợp. Hơn nữa, quy định trong dự thảo không phải là mới, quy định này đã được chính Quốc hội khóa XIV thông qua ở Luật Phòng chống tác hại rượu bia và mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Thực tế quy định mới được triển khai mạnh từ năm 2022 đến nay đang cho kết quả kiềm chế tai nạn giao thông rất tốt.
Trước đó, giải trình về vấn đề giới hạn nồng độ cồn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, đây là biện pháp nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông. Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
"Đối với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Chiều 25/11, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08), Bộ Công an thông tin về kết quả ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong thời gian từ ngày 30/8 đến 15/10. Theo đó, các tổ công tác đã trực tiếp kiểm soát 197.932 phương tiện (96.990 xe ôtô, 100.942 xe mô tô và xe máy điện, xe 3 bánh). Phát hiện và bàn giao cho địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm. Trong đó 6.119 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 46 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 32 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, 12 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa. Đặc biệt, qua xác minh các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ghi nhận 232 người vi phạm là cán bộ, công chức, nhà báo… Trong đó, có 184 người là cán bộ, công chức (175 đang công tác, còn lại nghỉ hưu), 15 người là phóng viên… Các trường hợp này ngoài xử lý theo quy định, C08 còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của cơ quan. |