Không chấp nhận “sống chung” với tình trạng lái xe khi đã uống rượu, bia
Cẩn trọng với máy đo nồng độ cồn "trôi nổi" trên các chợ mạng Có nên cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe? Mức xử phạt mới nhất về vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp |
Câu chuyện về quy định mức nồng độ cồn bằng 0 tại dự án Luật này đang được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội và dư luận.
Đáng chú ý đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện nồng độ cồn thu hút mối quan tâm chung. Năm 2019, Chính phủ có Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó có quy định mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như: Ô tô, các loại xe tương tự ô tô; xe mô tô, xe gắn máy; máy kéo, xe máy chuyên dùng; xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác.
Những quy định nghiêm khắc về xử phạt hành vi điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia của Nghị định tuy mang tính hành chính bước đầu đã có tính răn đe cao, tạo được bước chuyển nhất định trong việc điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện. Một kết quả tích cực nữa là con số các vụ tai nạn giao thông và các hậu quả về kinh tế và xã hội của tai nạn giao thông đã bước đầu được kéo giảm, góp phần tạo bình yên cho môi trường xã hội, trật tự an toàn.
Ảnh minh hoạ |
Đặc biệt những kết quả tích cực từ việc thực hiện Nghị định 100 góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông với việc hình thành văn hóa giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Tuy nhiên, dự báo những năm tới cho thấy giao thông Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng nhanh cả về phương tiện, số lượng người tham gia giao thông. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc luật hoá các quy định, các chế tài bảo đảm an toàn không chỉ cho chính các đối tượng điều khiển phương tiện mà còn cho cả cộng đồng.
Câu chuyện nồng độ cồn bằng 0 đang được dư luận đặc biệt quan tâm cũng nằm trong bối cảnh đó, thêm nữa là khi Việt Nam được xem là nước có tỷ lệ người dân tiêu thụ đồ uống có cồn thuộc vào loại cao của thế giới. Tai nạn giao thông do nguyên nhân trực tiếp do uống rượu, bia chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số lượng các vụ tai nạn.
Mục tiêu của việc xây dựng điều luật quy định về nồng độ cồn nói chung và những quy định bảo đảm an toàn giao thông đường bộ nói chung, xét cho cùng không phải hướng tới xử nặng (mặc dù là cần thiết) những người trót có “ma men” trong người mà chính là hướng tới cái tiêu đích sâu xa hơn, nhân văn hơn chính là để bảo vệ cộng đồng trong đó có bản thân chính những người điều khiển phương tiện.
Hẳn nhiều người chúng ta chưa quên câu chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy được áp dụng cách đây gần 20 năm. Không phải dư luận ngay từ đầu đã đồng thuận với quy định này với vô số lý do, nào là bất tiện, nào là trông nó không được đẹp mắt, rồi cả nấm mốc, ngứa đầu. Nhưng nay thì không ai còn thắc mắc câu chuyện này nữa. Đặc thù giao thông của Việt Nam với hàng chục triệu chiếc xe máy, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia điểu khiển xe máy giờ đã trở thành thói quen hết sức bình thường, không ai còn “thắc mắc” và lợi ích từ những chiếc mũ bảo hiểm cũng đã được chứng thực.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có thể tạo dựng được thói quen chấp hành pháp luật đó hay không với câu chuyện “nói không với rượu, bia” khi điều khiển phương tiện và để rồi từ thói quen hình thành dần ý thức, hình thành văn hoá không chấp nhận "sống chung" với việc lái xe khi đã uống rượu, bia.
Câu hỏi này được đặt ra và chính cả cộng đồng chúng ta phải có một câu trả lời dứt khoát, không chấp nhận những tư duy duy lý kiểu “du di” về tỷ lệ nồng độ cồn bởi một hành vi nhỏ dễ dãi với chính bản thân mình không chỉ rồi sẽ gây hoạ cho cho chính mình mà còn cho cả người khác.
Trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tập trung xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có ngày nghỉ đối với vi phạm về nồng độ cồn. Kết quả, sau 11 tháng năm 2023 đã xử lý 696.264 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 23% tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông, tức là trung bình 1 ngày xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. |