Công ty “ma” giúp bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” Ngân hàng SCB thế nào?
Vạn Thịnh Phát "thao túng" 4 nhóm định chế tài chính
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước có liên quan chặt chẽ với nhau.
Đáng chú ý, một số lượng lớn công ty “ma” được thành lập chỉ để rút tiền Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) phục vụ cho bà Trương Mỹ Lan sử dụng.
Các công ty này được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trong đó, nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: Ngân hàng SCB, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Công ty CP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Riêng SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Nhóm các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... và có số vốn điều lệ tỷ USD, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên như: Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông,…
Nhóm các công ty được gọi công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công …
Nhóm cuối cùng là mạng lưới công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh với danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.
Đối với nhóm các công ty “ma” được bà Trương Mỹ Lan tổ chức, thành lập. Việc lập các công ty “ma” được bà Lan giao cho các cá nhân trong hệ sinh thái thực hiện, gồm: đặt tên công ty, chọn ngành nghề kinh doanh… cho phù hợp với yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan.
Với phương thức này, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập/nhận chuyển nhượng/sử dụng hàng nghìn pháp nhân để đứng tên khoản vay, chuyển tiền/nhận tiền từ nước ngoài; phát hành trái phiếu; đứng tên dự án; cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản theo mục đích của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Các công ty “ma” được thành lập nhưng không có hoạt động kinh doanh mà chỉ để đứng tên các khoản vay tại ngân hàng SCB cho bà Trương Mỹ Lan sử dụng.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo nhóm đối tượng này thuê/nhờ hàng nghìn cá nhân để đứng tên cho các khoản vay tại SCB, đứng tên đại diện pháp luật cho công ty “ma”, đứng tên cho tài sản đảm bảo, đứng tên cổ phần, mở tài khoản nhận tiền, rút tiền mặt, phục vụ cho mục đích của bà Trương Mỹ Lan.
Công ty “ma” giúp Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” Ngân hàng SCB thế nào? |
"Vẽ" dự án, "rút ruột" SCB
Kết quả điều tra cũng cho thấy, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát, đơn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo thực hiện các thủ đoạn: Tạo lập khách hàng vốn khống; đưa tài sản đảm bảo được định giá trị, để tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực chất là để “rút ruột” SCB.
Theo kết luận, bà Trương Mỹ Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại đây và các cán bộ chủ chốt tại Vạn Thịnh Phát triển khai các hoạt động rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống. Thậm chí có nhiều khoản vay rút tiền trước hoàn thiện hồ sơ sau.
Mỗi khoản cần rút ra, trong các giai đoạn đều có cách làm khác nhau và được giao cho từng nhóm của Vạn Thịnh Phát để dựng công ty "ma", "vẽ" ra phương án đầu tư tại các dự án, giao cho các bộ phận tính toán tài sản đảm bảo cho phù hợp...
Đồng thời, các hồ sơ cho vay, giải ngân của nhóm Trương Mỹ Lan tại các đơn vị, chi nhánh trên đều có ký hiệu theo dõi riêng như "HSTT", "phương án, dự án" để các nhân viên ngân hàng nhìn vào đều hiểu là cho vay các công ty trong "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".
Trương Mỹ Lan đã giao cho các thân tín tại SCB phối hợp cùng các thuộc cấp tại Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của cá nhân, pháp nhân "ma" để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc cho các cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Kết quả xác minh hồ sơ vay vốn 1.284 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan còn dư nợ tại Ngân hàng SCB thì có 201 khoản vay, hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Các khoản vay này giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng, đến nay tổng dư nợ 11.600 tỷ đồng.
Ngày 18/11/2023, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan bị Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố 3 tội danh: Đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản. C03 cáo buộc hành vi của nhóm Trương Mỹ Lan được thực hiện như "một tổ chức tội phạm với quy mô rất lớn". Toàn bộ hoạt động của ngân hàng SCB bị bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên đến hơn 304.000 tỷ đồng. |