Công ty Hoa Sơn quy tụ dàn lãnh đạo cũ của Than Núi Béo và xê ri thắng thầu kỳ tích
Ở bài viết trước, Báo Công Thương đã khắc họa những thành công của Công ty Khai thác khoáng sản - Chi nhánh Tổng công ty Đông Bắc dưới thời Đại tá Nguyễn Văn Xuyến, Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy.
Các đối tác gần gũi, gắn bó trong quá trình phát triển của Công ty Khai thác khoáng sản cũng được tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc, tiêu biểu là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quang Minh (Công ty Quang Minh), Công ty Cổ phần Hoa Sơn (Công ty Hoa Sơn), Công ty TNHH Thương mại Duy Hưng (Công ty Duy Hưng) và Công ty Cổ phần Cơ khí và Thiết bị Thành Công (Công ty Thành Công) - 4 doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ liên quan đến khai thác và vận chuyển khoáng sản.
Bốc xúc, vận chuyển đất đá trong sản xuất khai thác than là miếng bánh thơm ngon cho các nhà thầu |
Tiếp nối Công ty Quang Minh của cặp anh em doanh nhân Phạm Thế Quang - Phạm Thế Vinh, nhà thầu trứ danh khác sẽ được nhắc đến trong bài viết này, đó là Công ty Hoa Sơn.
Đối tác quen thuộc của Than Núi Béo
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Công ty Hoa Sơn được thành lập ngày 3/10/2000 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Phía sau doanh nghiệp có bề dày truyền thống này, hiếm người biết rằng, giới chủ kín tiếng lại là những doanh nghiệp đình đám trong lĩnh vực than khoáng sản vùng Đông Bắc Bộ.
Thời điểm ban sơ, Công ty Hoa Sơn là nơi quy tụ của dàn lãnh đạo Công ty Cổ phần Than Núi Béo, một thành viên đắc lực trong hệ thống của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), ra đời từ năm 1985, tiền thân là đơn vị kinh tế hợp tác giữa Liên Xô (cũ) và Việt Nam, phụ trách hoạt động khai thác mỏ cùng tên trên địa phận phường Hà Tu, thành phố Hạ Long.
Người cũ của Than Núi Béo đồng lòng lập nên Công ty Hoa Sơn |
Tài liệu của Báo Công Thương cho biết, cổ đông sáng lập của Công ty Hoa Sơn gồm có ông Phạm Minh Thảo, ông Phùng Ngọc Nghĩa, ông Ngô Văn Hoa, ông Lại Văn Sơn và ông Nguyễn Phúc Hưng.
Trong đó, ông Phạm Minh Thảo là người có địa vị cao trong bộ máy Vinacomin. Ông Thảo có 13 năm giữ cương vị Ủy viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Than Núi Béo từ năm 1996 đến 2009, và đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông là tiến sĩ chuyên ngành khai thác mỏ.
Sau thời điểm Than Núi Béo được cổ phần hóa vào năm 2006, ông Thảo tiếp tục đảm trách ghế nóng thêm 3 năm nữa, rồi mới nghỉ hưu và nhường lại vị trí cho người kế nhiệm là ông Vũ Anh Tuấn.
Tại Công ty Hoa Sơn, ông Phạm Minh Thảo đích thân nắm ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật. Đến tháng 7/2020, ông Bùi Văn Long (SN 1961), Tổng giám đốc trở thành người đứng tên cho Công ty Hoa Sơn.
Ngược lại thời gian, Công ty Hoa Sơn còn đứng ngang hàng với Vinacomin, Ngân hàng SHB, Tập đoàn T&T... để thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm SHB – Vinacomin vào năm 2008, tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) ngày nay.
Tương tự, ông Lại Văn Sơn là một ủy viên của Hội đồng quản trị Than Núi Béo suốt nhiều năm, trước khi rút khỏi doanh nghiệp vào năm 2014. Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, tiếp bước cha anh, năm 1971 - 1976 ông tham gia quân ngũ, đến năm 1979 xuất ngũ về làm cán bộ thống kê đoàn xe thuộc Công ty Than Cao Sơn - Vinacomin.
Năm 1994, ông làm Trưởng phòng Kế hoạch tiêu thụ Công ty Than Núi Béo, sau này kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ Ủy viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phúc Hưng cũng là nhân sự chủ chốt của Công ty Than Núi Béo, từng kinh qua các chức vụ như Kế toán trưởng, Phó giám đốc Kinh tế, từ năm 1991 đến 2014 (nghỉ hưu theo chế độ).
Có phần ít tiếng hơn, đó là ông Phùng Ngọc Nghĩa, một cựu cán bộ của Phòng Thanh tra Công ty Than Núi Béo, tiếp tục là cổ đông góp sức lập nên Công ty Hoa Sơn đang phất lên như diều gặp gió ở đất mỏ.
Việc giới chủ sở hữu profile "khủng", có thâm niên và đã leo lên những chức vụ quản trị điều hành cao nhất của một doanh nghiệp nhà nước, không lấy gì bất ngờ nếu Công ty Hoa Sơn nhận được những sự ưu ái nhờ "bàn đạp" hỗ trợ đó.
Thực tế, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ năm 2017 đến nay, Công ty Hoa Sơn là nhà thầu hiếm gặp đang giữ thành tích "đánh trận" bách chiến bách thắng. Kỷ lục vô tiền khoáng hậu của Công ty Hoa Sơn khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ, đặc biệt bất ngờ hơn nếu nhìn sang tổng giá trị trúng thầu của doanh nghiệp, lên đến 4.600 tỷ đồng.
Bách chiến bách thắng
Giai đoạn 2017 - 2018, Công ty Hoa Sơn liên tiếp trúng 4 gói thầu bốc xúc và vận chuyển đá thải, phục vụ hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Than Cao Sơn - Vinacomin và Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin, trị giá trên 400 tỷ đồng.
Ồ ạt trúng thầu, thay vì gấp rút bổ sung vốn để đảm bảo nguồn lực thực hiện các phần công việc đã giao ước, Chủ tịch Phạm Minh Thảo có bước đi khó đoán, ngược lại với suy nghĩ thông thường của các doanh nhân khác, đó là giảm mạnh vốn điều lệ từ 36 tỷ đồng xuống còn 14,5 tỷ đồng.
Nước đi này được ông Thảo thực hiện và hoàn tất vào ngày 30/5/2018, sau khi nhận quyết định trúng gói thầu: Thuê ngoài bốc xúc và vận chuyển đất đá thải phục vụ sản xuất năm 2018 của Công ty Than Cao Sơn - Vinacomin hơn 76,5 tỷ đồng trong ngày 24/4/2018.
Đặc biệt, vừa mạnh tay hạ vốn điều lệ đến 60%, ngày 4/6/2018, Công ty Hoa Sơn lập tức trúng thêm gói thầu số 02: Thuê ngoài vận chuyển đất đá năm 2018 từ Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin, với giá trị lên đến 176,5 tỷ đồng, trên vai trò liên danh chính.
Liên danh của Công ty Hoa Sơn thắng thầu dù bỏ giá sát ngưỡng giá gói thầu, tỷ lệ giảm giá đạt mức "tráng men" 0,01%, mang đậm tính tượng trưng, cũng là điều ít doanh nghiệp làm được. Người ký quyết định lựa chọn nhà thầu khi đó là Giám đốc Nguyễn Xuân Lập.
Nhờ nền tảng kinh nghiệm được tích lũy sau những gói thầu do phía Vinacomin làm chủ đầu tư, Công ty Hoa Sơn bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động vào năm 2019, với bước tiến lớn là cú bắt tay với Công ty Khai thác khoáng sản - Tổng công ty Đông Bắc (lúc này tên cũ là Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản). Công ty Hoa Sơn cùng với Công ty Quang Minh, Công ty Duy Hưng đã cùng lập liên minh chia nhau thực hiện gói thầu 334,7 tỷ đồng này, với công việc là bốc xúc, vận chuyển san gạt đất đá mỏ Tân Lập.
Công ty Hoa Sơn là nhà thầu gần gũi hàng đầu với Công ty Khai thác khoáng sản - Tổng công ty Đông Bắc |
Một lần nữa Công ty Hoa Sơn và hai đối tác thân cận chiến thắng ngoạn mục với tỷ lệ giảm giá "siêu mỏng", chỉ gần 0,02% tương ứng 65 triệu đồng tiết kiệm cho ngân sách. Cần biết, theo chuyên gia về khoáng sản, khả năng xây dựng giá dự thầu gần như y hệt giá gói thầu gần như là điều không thể, vì liên quan đến nhiều biến số từ khối lượng, đơn giá, chi phí nhân công, hạng mục công việc...nên kết quả này có thể nói vừa là may mắn, vừa là sự tính toán và tổng hoà nhiều yếu tố khó người làm được trong kinh doanh.
Thông thường, các nhà thầu phải rất đau đầu để tính toán, cân nhắc, tìm ra phương án kỹ thuật tối ưu nhất để tiết giảm chi phí, đưa ra mức giá dự thầu cạnh tranh, làm tăng cơ hội trúng thầu. Vì vậy, những trường hợp trúng thầu quá sát giá luôn gây lo ngại về tính minh bạch.
Năm 2015, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã vào cuộc và tiến hành bắt giữ hàng loạt lãnh đạo Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin, do có hành vi chỉ đạo nâng cung độ vận chuyển đất đá, lập khống chứng từ, khai khống sản lượng bốc xúc đất đá mỏ nhằm quyết toán thêm hàng chục đồng để rút tiền chia chác. |
Từ năm 2017 đến nay, Công ty Hoa Sơn đã tham dự 17 gói thầu, và đều giành chiến thắng ở toàn bộ gói thầu này.
Theo tài liệu của Báo Công Thương, những gói thầu khổng lồ đề cập phía trên đã nuôi lớn Công ty Hoa Sơn suốt thời gian trở lại đây. Nếu năm 2017, nhà thầu ghi nhận doanh thu 157,3 tỷ đồng, thì sang năm sau đã tăng lên 228,1 tỷ đồng và tiếp tục chạm mốc 460 tỷ đồng vào năm 2019.
Năm 2020, dịch bệnh làm chững lại đà tăng doanh số của Công ty Hoa Sơn xuống còn 417 tỷ đồng, nhưng cũng rất nhanh sau đó nhà thầu lập kỷ lục cao nhất lịch sử với 521 tỷ đồng (2021). Sang năm 2022, doanh thu được duy trì trong vùng giá trị lớn là 416 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2020.
Đối lập với doanh số liên tục "bùng nổ", lợi nhuận của Công ty Hoa Sơn lại khá mờ nhạt, để lại nhiều băn khoăn về hiệu suất sinh lợi và khả năng quản trị của ban lãnh đạo như Chủ tịch Phạm Minh Thảo hay Tổng giám đốc Bùi Văn Long.
Theo đó, lợi nhuận của Công ty Hoa Sơn lần lượt đạt 1,7 tỷ đồng (2018), 1,8 tỷ đồng (2019), 74 triệu đồng (2020), 936 triệu đồng (2021) và 737 triệu đồng (2022). Lợi nhuận thấp, đồng nghĩa với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sẽ ít lại.
Các khoản lãi mờ nhạt của Công ty Hoa Sơn |
Như phân tích ở trên, Công ty Hoa Sơn có động tác lạ thường là giảm mạnh số vốn điều lệ bất luận các gói thầu đang cứ "ùn ùn" kéo về, khiến việc làm ngày một nhiều và khối lượng công việc không ngừng tăng lên.
Chiều ngược lại, doanh nghiệp tích cực tăng cường vay mượn từ ngân hàng, đơn cử năm 2018 tổng nợ vay đạt 34 tỷ đồng, đã tăng lên 70 tỷ đồng vào năm kế tiếp. Cập nhật số liệu mới nhất, cuối năm 2022, tổng nợ vay vẫn chạm mốc 60 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu (15 tỷ đồng).
Công ty Hoa Sơn đã phải thế chấp những chiếc xe tải tự đổ, máy đào bánh xích... cho các nhà băng để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay lớn.
Nợ vay áp đảo trong tài sản của Công ty Hoa Sơn |
Nói thêm về ông Phạm Minh Thảo, được biết ông còn là cổ đông sáng lập tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Trường Sơn, bên cạnh Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng và Công ty Cổ phần Tùng Bách, ông Nguyễn Hữu Tùng (ông chủ Công ty Tùng Bách).
Khoáng sản Đông Trường Sơn đóng chân tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một thời là tâm điểm bức xúc của dư luận sau khi bị vạch trần hành vi lợi dụng hoạt động thăm dò khoáng sản vàng gốc (khu vực đồi A Pey B, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới) để thực hiện việc khai thác vàng trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Năm 2017, Khoáng sản Đông Trường Sơn bị chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm, như không có biên bản bàn giao hoàn thành cắm mốc ranh giới với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan; chưa lập đề án bảo vệ môi trường theo quy định của Chính phủ; chưa quản lý tốt các loại chất thải phát sinh; không thực hiện việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động...