Công ty Khai thác khoáng sản - dấu ấn vượt khó và những điều khác biệt
Công ty Khai thác khoáng sản là đơn vị chủ lực của Tổng công ty Đông Bắc |
Công ty Khai thác khoáng sản - Chi nhánh Tổng công ty Đông Bắc là thành viên cốt cán, đóng vai trò lớn tạo nên sức mạnh, sự vững chắc trong đơn vị hoạt động kinh tế - quốc phòng dẫn đầu về khai thác và kinh doanh khoáng sản nước ta.
Công ty Khai thác khoáng sản ra đời ngày 18/4/1996, tới nay đã hơn 27 năm tuổi. Xuyên suốt lịch sử phát triển lâu đời, doanh nghiệp đạt được rất nhiều thành tựu vẻ vang, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, góp sức lực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực vùng Đông Bắc Việt Nam.
Những năm gần đây, Công ty Khai thác khoáng sản chứng kiến bước phát triển vượt bậc, sản lượng khai thác than, hoạt động bốc xúc đất đá cùng với doanh thu, lợi nhuận đều có tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt mức khả quan. Thu nhập của người lao động theo đó được đảm bảo, tạo nên khung cảnh hưng phấn cho doanh nghiệp và Tổng công ty.
Thành công này đến từ sự đoàn kết, kỷ luật, quyết tâm của toàn thể cán bộ, nhân viên của Công ty Khai thác khoáng sản, nhưng cũng mang đậm dấu ấn cá nhân của Đại tá Nguyễn Văn Xuyến, Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy, người đã kế nhiệm Đại tá Phạm Gia Cửu trong công tác quản trị điều hành doanh nghiệp từ năm 2017.
Đại tá Nguyễn Văn Xuyến, Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty Khai thác khoáng sản - Chi nhánh Tổng công ty Đông Bắc |
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng, những đóng góp quý báu của vị lãnh đạo Công ty Khai thác khoáng sản, tuy nhiên, thời gian qua dư luận dấy lên thông tin bất lợi về hoạt động đấu thầu mua sắm dịch vụ của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của Tổng công ty Đông Bắc.
Nhằm rộng đường dư luận, Báo Công Thương đã tìm hiểu và cập nhật những thông tin liên quan để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Trước hết, Công ty Khai thác khoáng sản là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, nên hoạt động đấu thầu với doanh nghiệp mang ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý tài sản và nguồn lực công cộng đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và công bằng trong việc sử dụng nguồn tài chính của quốc gia.
Công ty Khai thác khoáng sản có nhiệm vụ tổ chức đấu thầu với sự cạnh tranh cao giữa các nhà thầu, khuyến khích họ cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, đồng thời giảm giá thành để thắng thầu, đem đến cơ hội chọn ra những nhà thầu ưu tú cả về giá cả lẫn chất lượng, hiệu suất dịch vụ.
Hoạt động đấu thầu tại Công ty Khai thác khoáng sản được kiểm soát bởi các quy trình minh bạch và có quy định nghiêm ngặt. Điều này giúp đảm bảo sự công khai và minh bạch trong việc chọn nhà nhà thầu và sử dụng tài sản công cộng, ngăn ngừa tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Nhà thầu sát cánh cùng Công ty Khai thác khoáng sản
Giống như tên gọi, doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản, cho nên một trong số khoản chi thường xuyên và liên tục là bốc xúc, vận chuyển đất đá, sàng than trên khai trường mỏ Tân Lập, mỏ Đông Đá Mài... Khối lượng công việc lớn, nhân công cần kinh nghiệm, kỹ năng khai thác, xử lý thành thạo, cùng với cơ sở vật chất chất lượng, nên không nhiều nhà thầu có thể đáp ứng yêu cầu đề ra.
Năm 2018 - 2019 (khi còn là Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản), Báo Công Thương được biết doanh thu bán hàng của doanh nghiệp ghi nhận 1.777 tỷ đồng và 1.641 tỷ đồng, đối lại chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất lên đến 1.600 tỷ đồng và 1.477 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí lãi vay, chi phí vận hành khác.
Tại Quảng Ninh, để thuận tiện cho công việc, Công ty Khai thác khoáng sản đã lựa chọn ra một số nhà thầu địa phương có tiếng tăm, uy tín và giàu kinh nghiệm để gây dựng mối quan hệ đối tác, cùng hợp tác và phát triển. Trong đó, tiêu biểu là 4 nhà thầu: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quang Minh (Công ty Quang Minh) - Công ty TNHH Thương mại Duy Hưng (Công ty Duy Hưng) và Công ty Cổ phần Cơ khí và Thiết bị Thành Công (Công ty Thành Công), Công ty Cổ phần Hoa Sơn (Công ty Hoa Sơn).
Điểm chung của 4 nhà thầu là đã làm việc cùng Công ty Khai thác khoáng sản một thời gian dài, từ trước năm 2018 đến nay và số lượng gói thầu trúng cũng như giá trị đều rất lớn lớn. Đặc biệt, bộ tứ này chưa từng một lần thua thầu, là cơ sở vững chắc để đánh giá cả năng lực lẫn kinh nghiệm của họ đều không phải hạng xoàng xĩnh.
Hoạt động bốc xúc, vận chuyển đất đá, sàng than trên khai trường mỏ Tân Lập, mỏ Đông Đá Mài... diễn ra sôi động. |
Ở trường hợp của Công ty Quang Minh, theo thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Công ty Quang Minh đã trúng 22 gói thầu cung cấp dịch vụ bốc xúc, vận chuyển, san gạt đất đá mỏ Tân Lập, mỏ Đông Đá Mài và cho thuê thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng. Song, trong số gói thầu có những hợp đồng Công ty Quang Minh thực hiện trên vai trò liên danh, nên giá trị kinh tế cũng phải chia sẻ với đối tác khác.
Đơn cử, tại gói thầu: Thuê thiết bị phục vụ sản xuất năm 2022 tại mỏ Đông Đá Mài, Công ty Quang Minh đã bắt tay cùng 3 nhà thầu quen mặt khác của Công ty Khai thác khoáng sản là Công ty Duy Hưng, Công ty Thành Công và Công ty Hoa Sơn để thực hiện phần công việc giao ước với giá trúng thầu 497.383.985.993 đồng (trên 497,3 tỷ đồng).
Với giá gói thầu 502.615.356.217 đồng, tỷ lệ giảm giá khoảng 1% cho thấy đây là công việc không dễ làm, và ban lãnh đạo chủ đầu tư đã phải nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo đưa ra con số sát với thị trường mà vẫn thu hút được nhà thầu tham dự. Người ký quyết định công nhận kết quả gói thầu là Giám đốc, Đại tá Nguyễn Văn Xuyến, vào ngày 29/12/2021.
Cũng trong ngày 29/12/2021, Đại tá Nguyễn Văn Xuyến ký tiếp kết quả lựa chọn nhà thầu nữa tại gói thầu: Thuê thiết bị phục vụ sản xuất năm 2022 tại mỏ Tân Lập. Lần này, liên danh trúng thầu là bộ tam - Công ty Quang Minh, Công ty Duy Hưng và Công ty Thành Công, sau khi bỏ giá 276.120.114.469 đồng (trên 276,1 tỷ đồng), thấp hơn khoảng 2,7 tỷ đồng so với giá dự toán (278.858.330.056 đồng).
Nét tương đồng đến từ việc 2 gói thầu đều nằm trong dự án Các gói thầu thuộc phương án phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2022 của Công ty Khai thác khoáng sản, nguồn vốn sử dụng được hạch toán vào chi phí sản xuất năm 2022 của chủ đầu tư.
Các gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi, trong nước không sơ tuyển, không qua mạng. Vì tính chất đấu thầu trực tiếp, nên không có nhà thầu nào cạnh tranh với liên danh trúng thầu trên. Nhiều khả năng, đây cũng là nguyên nhân giúp nhà thầu thắng ngoạn mục với mức giá tốt.
Quyết định công nhận kết quả gói thầu ký ngày 29/12/2021 |
Theo tìm hiểu, Công ty Quang Minh thành lập vào ngày 10/6/2004, trụ sở đặt tại phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là ông Hoàng Thanh Quân, sinh năm 1982. Thực chất, ông Quân chỉ là người điều hành hoạt động được thuê bởi giới chủ đằng sau, gồm có ông Phạm Thế Quang (SN 1973), bà Đỗ Thị Thu Huyền (SN 1976, vợ ông Quang) và ông Phạm Thế Vinh (SN 1977, em trai ông Quang).
Công ty Quang Minh được ví von như nhà thầu "mèo nhỏ bắt chuột to", bởi số vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ đạt 40 tỷ đồng, nhiều năm không cần tăng vốn nhưng vẫn bỏ túi hàng loạt gói thầu "khủng" từ Công ty Khai thác khoáng sản. Có thể, doanh nghiệp đã tìm ra cách làm mới, một bí quyết hiệu quả, để lại nhiều bài học quý báu cho giới kinh doanh sau này.
Tình hình kinh doanh của Công ty Quang Minh khá tích cực, theo tài liệu của Báo Công Thương, doanh thu bình quân mỗi năm đạt vài trăm tỷ đồng, cụ thể lần lượt là: 294,5 tỷ đồng (2016), 288,9 tỷ đồng (2017), 404,1 tỷ đồng (2018), 494,5 tỷ đồng (2019), 386,2 tỷ đồng (2020), 469,8 tỷ đồng (2021) và 450,7 tỷ đồng (2022).
Tuy nhiên, một vấn đề lãnh đạo Công ty Quang Minh cần nhanh chóng cải thiện, đó là hiệu quả sinh lợi đang thấp đến ngưỡng báo động. Tương ứng các năm trên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 542 triệu đồng (2017), 1,9 tỷ đồng (2018), 3,5 tỷ đồng (2019), 1,9 tỷ đồng (2020), 1,2 tỷ đồng (2021) và 1,8 tỷ đồng (2022). Cá biệt, năm 2016, doanh nghiệp còn báo lỗ đến 6,7 tỷ đồng.
Có nguồn doanh thu từ ngân sách nhà nước theo cách gián tiếp, Công ty Quang Minh nếu tăng cường được khả năng sinh lợi thì thật là điều đáng mừng, như vậy doanh nghiệp sẽ nộp được nhiều thuế hơn, đóng góp ngược trở lại vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng đi lên.
Nhưng cũng hoàn toàn chia sẻ và cảm thông với Công ty Quang Minh, bởi họ đang làm việc trong lĩnh vực thâm dụng vốn, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đắt đỏ mới có thể đáp ứng yêu cầu của đối tác. Theo đó, dù số vốn chỉ 40 tỷ đồng, ban lãnh đạo vẫn chấp nhận đi vay mượn đến hàng trăm tỷ đồng, bất chấp các rủi ro phải gánh chịu nếu lỡ may việc kinh doanh không còn thuận lợi.
Theo số liệu ghi nhận năm ngoái, tại ngày 31/12/2022, tổng nợ của Công ty Quang Minh lên đến 578 tỷ đồng, vượt 12 lần vốn chủ sở hữu (48,8 tỷ đồng). Trong đó, một phần là nợ đọng từ chủ đầu tư, tình trạng này không lạ lẫm với các nhà thầu khi họ bị giữ lại khoản tiền nhỏ coi như đảm bảo cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà họ cung ứng. Ngoài ra, trong số nợ đó còn được hình thành từ nợ ngân hàng.
Để vay từ các ngân hàng, Công ty Quang Minh thường xuyên phải thế chấp các máy đào, dây chuyền sàng tuyển, sàng rửa than tại các khai trường, các xe ô tô tải, và các quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng kinh tế với các chủ đầu tư cho MBBank, ABBank và BIDV.
ABBank là ngân hàng cấp tín dụng liên tục và tích cực nhất cho Công ty Quang Minh |
Nói thêm về cặp anh em doanh nhân Phạm Thế Quang - Phạm Thế Vinh, ít ai biết rằng, họ là những cổ đông tham gia sáng lập nên Tập đoàn Indevco nức tiếng ngày nay ở đất mỏ gan góc, chủ đầu tư dự án Trung tâm xử lý chất thải rắn ở Hoành Bồ (nay là Hạ Long, thành phố Hà Long) được khơi nguồn từ dự án công viên nghĩa trang An Lạc.
Ông Quang và ông Vinh khá kín tiếng, cho nên phần lớn người ta chỉ biết đến ông Đỗ Thành Trung với tư cách là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Indevco, thay vì dành sự quan tâm hơn đến những người "chung lực đấu cật", dựng xây cơ nghiệp cùng ông Trung.
Thời gian qua, công chúng chú ý đến việc chủ đầu tư công viên nghĩa trang An Lạc trong quá trình thực hiện dự án đã thu hồi được rất nhiều than, thậm chí số tiền mang lại còn lớn hơn tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng của dự án. Sau đó, đại diện Tập đoàn Indevco đã lên tiếng bác bỏ đồn đoán thiếu căn cứ này.
(Còn tiếp)