Chuyên gia kinh tế: "Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn đầu tư FDI"
Chờ đón dòng vốn đầu tư FDI mới TS Nguyễn Minh Phong: Môi trường kinh tế Việt Nam vẫn là “miếng bánh ngọt” thu hút vốn đầu tư nước ngoài Thu hút FDI khởi sắc hơn sau thời gian dài suy giảm |
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết đến 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng đó, có hơn 2.600 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước thể hiện sự gia tăng tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tới Việt Nam. Điều này phản ánh tích cực về niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư.
“Số liệu tích cực từ dòng vốn FDI đã thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Nó cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai giải ngân vốn đầu tư đã đem lại hiệu quả”, ông Long nói.
Vốn FDI tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước cho thấy niềm tin của nhà đầu tư và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của phía Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng |
Tuy vậy, ông Long cho rằng cuộc cạnh tranh để thu hút FDI ngày càng gay gắt trong khu vực và thế giới. Nên Việt Nam cần phải có chiến lược thu hút FDI bền vững hơn chỉ dựa vào giá nhân công rẻ.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), đánh giá gia tăng của FDI có thể thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp, dự án trong nước, giúp tạo việc làm, tăng trưởng GDP, cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam khởi sắc. Bên cạnh niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam thì các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai giải ngân vốn đầu tư. Bên cạnh đó, sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế tích cực làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách ngoại giao đa phương, đảm bảo hoà bình và làm bạn với tất cả các nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư. Khả năng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện cam kết quốc tế cũng được ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý rằng sự cạnh tranh trong cuộc đua thu hút FDI vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam cần duy trì và tăng cường những yếu tố cạnh tranh như tạo điều kiện kinh doanh thân thiện, năng động trong xúc tiến đầu tư, và tiếp tục điều chỉnh chính sách để thu hút các loại hình đầu tư mới mà tập trung vào tăng trưởng xanh và bền vững.
“Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI (trước hết là thời hạn visa doanh nghiệp, thủ tục và chi phí tuân thủ về cấp phép đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, kiểm tra - giám sát hải quan, giá thuê đất khu công nghiệp và loại bỏ các chi phí không chính thức...) nhằm hướng mạnh FDI vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, đến ngày 20/10, có hơn 1.000 lượt dự án đã đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tạo ra một tăng trưởng ấn tượng 19,4%, mặc dù tổng vốn đầu tư tăng thêm chỉ đạt hơn 5,33 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Hơn 2.800 giao dịch góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng giá trị vốn góp đạt hơn 5,13 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện cả nước có hơn 38.600 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án này ước đạt gần 292 tỷ USD, tương đương 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 18,84 tỷ USD, chiếm gần 73,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành kinh doanh bất động sản, đứng thứ 2 về thu hút FDI với tổng đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, nhưng giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 10 tháng năm, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu về tổng vốn đầu tư, trong khi Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng điều chỉnh vốn và GVMCP.
Báo cáo cũng cho thấy Quảng Ninh đã vượt lên đứng top 1 về thu hút vốn ngoại nhờ vào việc cấp mới thêm 2 dự án có vốn lớn (Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà - Việt Nam tổng vốn 1,5 tỷ USD và Nhà máy Liteon Quảng Ninh tổng vốn đầu tư 690 triệu USD). Hải Phòng xếp thứ hai, kế đó là Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án mới vẫn tập trung vào các địa phương có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng tốt, nhân lực ổn định, có nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư. Đơn cử như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương.