Chờ đón dòng vốn đầu tư FDI mới
Thu hút FDI theo chiều sâu
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho biết, giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022 vừa qua, GDP tăng 8,83%, lạm phát được kiểm soát và nền kinh tế đạt nhiều tín hiệu tăng trưởng tốt. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, 90% nhà đầu tư nước ngoài khẳng định thị trường Việt Nam đang phục hồi tốt và ở mức khá hơn so với thời kỳ trước đại dịch.
Bà Hoàng Thanh Tâm - Trưởng phòng xúc tiến đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cũng khẳng định, Việt Nam hiện đang tập trung vào hai tiêu chí đầu tư chính. Thứ nhất, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thứ hai, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có tác động lan tỏa để kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án FDI công nghệ cao.Ảnh: SX |
Vì vậy, Việt Nam cũng mong muốn sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như thiết bị, linh kiện điện tử bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số và thương mại điện tử, logistics, dệt may, da giày, các dự án năng lượng sạch, giảm phát thải CO2, các dự án liên quan đến công nghiệp ôtô, xe điện, thiết bị y tế thực phẩm, hàng tiêu dùng và bán lẻ...
Chuẩn bị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Nhiều chuyên gia cho rằng, để chuẩn bị đón dòng vốn FDI mới, Việt Nam cần phải lên kế hoạch chuẩn bị nguồn quỹ đất khu công nghiệp, bất động sản công nghiệp, khu chế xuất, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, xúc tiến đầu tư phát triển để tạo hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư.
Ngoài ra, tiêu chí khiến nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đang rất quan tâm đến như cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng khung pháp luật thuận lợi, ưu đãi hơn; hỗ trợ doanh nghiệp, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất…
Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như: Hà Nội, TPHCM. Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội chủ yếu thuộc Châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Châu Âu và Mỹ chiếm dưới 10% tổng vốn đăng ký. Dự án đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú mới đây cũng khẳng định, đây là kết quả tích cực, Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 30 - 40 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, Thủ đô sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu. Cùng với đó, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước giữa bối cảnh mới của nền kinh tế. Triển khai thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, gắn với tạo đột phá, tạo động lực dẫn dắt tạo nền tảng phát triển lâu dài cho Hà Nội như nền tảng số, cải cách thể chế, tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính...
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài.