Chuyên gia chứng khoán: Thị trường vào vùng trũng trước Tết, rủi ro chực chờ, cân nhắc xuống tiền
Thông tin đến Báo Công Thương, chuyên gia Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của VnDirect, cho hay, xu hướng giằng co của thị trường chứng khoán có thể kéo sang tuần giao dịch 15 – 19/1 khi dòng tiền chưa có sự đồng thuận và lan tỏa giữa các nhóm ngành.
Theo chuyên gia, đà tăng gần đây của các chỉ số chứng khoán chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi các ngành khác chưa có dấu hiệu hút được dòng tiền tham gia. Với việc nhóm ngân hàng có thể chứng kiến áp lực chốt lời trong những phiên giao dịch tới, việc thị trường thiếu vắng nhóm dẫn dắt thay thế có thể xu khiến xu hướng tăng của thị trường khó được duy trì.
Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ gặp nhiều lực cản trong tuần này, nhà đầu tư cân nhắc khi "xuống tiền". Ảnh minh họa |
Đồng thời, thị trường cũng chuẩn bị bước vào vùng trũng thông tin hỗ trợ trước Tết âm lịch, trong khi một số yếu tố rủi ro đang nổi lên có thể ảnh hưởng tới xu thế chung của thị trường. Cụ thể, số liệu lạm phát Mỹ được công bố mới đây cao hơn kỳ vọng sẽ làm giảm sự hưng phấn của các thị trường quốc tế. Trong nước, giá vàng vẫn đang neo cao, cùng với đó áp lực tỷ giá bất ngờ quay trở lại trong những phiên gần đây là yếu tố rủi ro cần quan sát.
“Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn cần tuân thủ kỷ luật ở thời điểm hiện tại, chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn (khoảng 50% cổ phiếu) và hạn chế sử dụng đòn bẩy. Cần thận trọng quan sát diễn biến thị trường ở vùng hỗ trợ gần nhất là 1.130 - 1.140 điểm trước khi có những quyết định mua mới hay gia tăng tỷ trọng cổ phiếu”, ông Hinh khuyến nghị.
Tương tự, chuyên gia Chứng khoán Asean (Asean SC) cho rằng, quá trình điều chỉnh vẫn có thể tiếp diễn trong một vài phiên giao dịch sắp tới. Tuy nhiên, thị trường chung sau đó sẽ quay trở lại xu hướng tăng giá.
“Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị thận trọng, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi quá trình vận động của thị trường chung, nắm giữ các cổ phiếu mạnh của thị trường, và tận dụng các nhịp rung lắc để cơ cấu lại danh mục”, chuyên gia Asean SC nhận định.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng nguồn cung đang hiện hữu, diễn biến điều chỉnh có thể tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên mức điều chỉnh khả năng không quá lớn và dòng tiền sẽ gia tăng hỗ trợ khi thị trường lùi về vùng giá thấp. Nhà đầu tư được khuyến nghị cần quan sát động thái hỗ trợ của dòng tiền, hiện tại có thể cân nhắc chờ mua tại vùng giá tốt đối với các cổ phiếu đã tạo nền tích lũy tích cực trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, chuyên gia Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng tín hiệu kỹ thuật đang hướng lên từ vùng thấp cho tín hiệu thị trường đang điều chỉnh trước khi bước vào nhịp tăng điểm mới. Từ đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư bám sát thị trường ở các mốc 1.150 và 1.130 điểm, tận dụng những phiên rung lắc điều chỉnh để tiếp tục giải ngân thêm đối với các cổ phiếu cho dấu hiệu kiểm định lại vùng hỗ trợ thành công, thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản.
Dưới góc nhìn lạc quan, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) kỳ vọng vào kịch bản thành công, đưa chỉ số tiến vào khu vực kỳ vọng tích lũy trung hạn. Chuyên gia SHS không thay đổi nhận định thị trường đang vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại sau giai đoạn giảm điểm.
“VN-Index trong vài tuần qua khá tích cực và chúng tôi kỳ vọng có thể hình thành vùng tích lũy trong biên độ 1.150 điểm - 1.250 điểm. Nhà đầu tư trung dài hạn hoàn toàn có thể giải ngân nhưng với quan điểm mua tích lũy dần vì thời điểm hình thành uptrend mới sẽ còn khá dài”, chuyên gia SHS khuyến nghị.
VN-Index khởi đầu tuần thứ hai của năm mới tăng 5,51 điểm, đạt 1.160,19 điểm, hỗ trợ bởi nhóm ngành ngân hàng khi nhóm ngành này hé lộ kết quả kinh doanh ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, nhóm vật liệu xây dựng cũng thu hút dòng tiền với sản lượng bán hàng HPG tháng 12 tăng 7% so với tháng trước. Thị trường giằng co trong phiên ngày thứ ba do áp lực bán chốt lời gia tăng và chỉ số VN-Index giảm nhẹ -1,6 điểm, đóng cửa tại 1.158,59 điểm, chứng kiến mức giảm nhẹ sau chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp. Ở phiên kế tiếp, thông tin tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt 13,7% đã hỗ trợ chỉ số VN-Index tăng +2,95 điểm, một lần nữa được hỗ trợ bởi lực cầu vào nhóm ngành ngân hàng. Thị trường phiên thứ 5 tăng nhẹ 0,7 điểm lên 1.162,2 khi nhà đầu tư có động thái chốt lời ngắn hạn với nhóm ngành ngân hàng sau đà tăng ấn tượng trong thời gian vừa qua. Trước tâm lý chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư cùng tâm lý thận trọng trước thông tin CPI Mỹ, VN-Index chứng kiến tuần giao dịch gần như đi ngang khi kết tuần với 1,154.7 điểm, không đổi so với tuần trước; trong khi chỉ số HNX-Index giảm 1,1% xuống 230.31 điểm và UPCOM-Index giảm 1,1% để đóng cửa tại 86.9 điểm. Tuần này, nhóm cổ phiếu quốc doanh VCB (+2,9%), CTG (+8,2%), BID (+3,4%) là nhân tố chính dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, nhóm cổ phiếu VHM (-4,2%), GVR (-6,4%) và GAS (-2,7%) gây áp lực lên chỉ số chung. Thanh khoản tăng mạnh 25,5% so với tuần trước, đạt 18.664 tỷ/phiên, thể hiện sự tích cực của thị trường khi nhà đầu tư giao dịch sôi động trở lại.
|