Chứng khoán tuần qua 8/4 - 12/4/2024: Thị trường lấy lại đà phục hồi
Chứng khoán tuần qua
Chứng khoán tuần qua 8/4 - 12/4/2024, VN-Index trong tuần giao dịch này tiếp tục có 3 - 4 phiên rung lắc liên tục ở vùng hỗ trợ quanh 1.245 điểm với thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình, thể hiện áp lực bán không mạnh. Phiên cuối tuần VN-Index phục hồi tốt với thanh khoản cải thiện hơn.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, thị trường chứng khoán phiên kết thúc tuần VN-Index ở mức 1.276,6 điểm tăng 1,71% so với tuần trước, HNX-Index kết thúc tuần ở mức 241,34 điểm tăng 0,69%.
Chứng khoán tuần qua lấy lại đà hồi phục. |
Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 94.837,79 tỷ đồng, giảm khá mạnh 25,4% so với tuần trước. Điều này cho thấy thị trường phân hóa mạnh, đang bắt đầu giai đoạn đánh giá các kế hoạch kinh doanh mới trong năm 2024 khi nhiều công ty đang tổ chức đại hội cổ đông 2024, cũng như đón chờ thông tin kết quả kinh doanh quí I/2024.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn chịu áp lực điều chỉnh tích lũy từ đầu tháng 3/2024 đã có phản ứng khá tích cực với nhiều mã tăng giá tốt trong phiên cuối tuần, thanh khoản cải thiện mạnh, nổi bật như VAB (+20,00%), LBP (+14,33%), CTG (+8,13%), BID (+6,37%), có một số ít các mã điều chỉnh giảm như STB (-1,69%), PGB (-0,53%), VCB (-0,32%).
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến rất nổi bật khi thị trường chịu áp lực điểu chỉnh đa số kết thúc tuần tăng điểm với nhiều mã nổi bật, thanh khoản gia tăng tốt trong những phiên cuối tuần như CTS (+12,50%), FTS (+5,67%), AGR (+5,61%), SHS (+5,05%), ngoài IVS (-3,65%), TVS (-1,24%), HBS (-1,18%).
Các cổ phiếu nhóm đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng lại có diễn biến phân hóa rất mạnh khi nhiều mã tăng giá tốt nổi bật với BMP (+7,41%), DPG (+7,10%), PC1 (+1,08%), trong khi nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh mạnh với TV2 (-8,50%), DHA (-3,03%), C4G (-2,65%).
Các cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh, đa số chịu áp lực điều chỉnh giảm điểm với DRH (-8,33%), HAR (-8,15%), FIR (-6,54%), NBB (-4,92%)... ngoài các mã tăng giá QCG (+17,07%), NHA (+6,45%), DIG (+5,00%), VHM (+3,61%).
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến phân hóa mạnh với POS (+14,29%), PVP (+5,26%), VTO (+2,79%), PVS (+1,09%) duy trì tích cực, ngoài các mã điều chỉnh mạnh như PSH (-28,49%), PTV (-11,76%), PGS (-5,00%).
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HOSE, mức độ bán ròng giảm so với tuần trước với giá trị 1.164 tỷ đồng trên HOSE. Đây là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại trên HOSE, mua ròng khá tốt trên HNX với giá trị 202,24 tỷ đồng.
Chính sách tuần qua
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 3/2024, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để quản lý thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay trước ngày 10/4, cũng như đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng một cách an toàn và hiệu quả.
Trong quý I/2024, lợi nhuận của các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Cụ thể, VPBank ghi nhận mức tăng trưởng đột biến, bên cạnh là HDBank, Oricombank, VietinBank có mức tăng trưởng tốt; Vietcombank giữ vị trí dẫn đầu về lợi nhuận trong khi TPBank có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ 2023.
Theo Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm nay, cao hơn đáng kể mức 5,1% của năm ngoái nhờ nhu cầu bên ngoài được cải thiện, nhu cầu trong nước phục hồi và dòng vốn FDI mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Việt Nam còn đối mặt với những vấn đề trong lĩnh vực tài chính, chủ yếu phát sinh từ sự suy giảm chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu, đặc biệt là ở các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các khoản vay liên quan đến bất động sản, đã tăng lên do điều kiện kinh tế và thị trường nhà ở trì trệ.
Đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là nội dung chính tại công điện số 24 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành. Trên thực tế tính đến hết tháng 3, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 90.000 tỷ đồng, đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây cũng là lượng vốn giải ngân trong quý I lớn nhất từ trước đến nay, cho thấy các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đấu giá 19 lô đất tại Thủ Thiêm trong thời gian tới. Theo đó, lô đất 3-5 với diện tích 6.446 m2, quy hoạch khu nhà chung cư hỗn hợp thương mại sẽ được hoàn thành hồ sơ trước tháng 9/2024 và dự kiến tổ chức bán đầu giá trước ngày 02/12/2024.
Tình hình thị trường thế giới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát đã chậm lại.
Chỉ số CPI Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 3 và cao hơn 3,5% so với một năm trước. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,8% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao và có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải giữ nguyên lãi suất.
Theo Bộ Lao động Mỹ, các công ty Mỹ trong lĩnh vực phi nông nghiệp tuyển dụng thêm 303.000 việc làm trong tháng 3/2024, cao hơn nhiều so với 2 tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 3 giảm nhẹ xuống 3,8%, thấp hơn mức dự đoán 3,9% và vẫn ở mức dưới 4% trong 26 tháng liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất kể từ cuối thập niên 1960.