Chứng khoán tuần qua 25/3 - 29/3/2024: Giao dịch tích cực, mức độ phân hóa các nhóm ngành tăng mạnh
Chứng khoán tuần qua
Chứng khoán tuần qua 25/3 - 29/3/2024, theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, kết thúc tuần VN-Index tăng nhẹ 0,18% so với tuần trước, ở mức 1.284,09 điểm. Đồng thời kết thúc Quí I/2024 khá tích cực khi tăng mạnh 13,64% so với cuối năm 2023 với thanh khoản cũng gia tăng tích cực. HNX-Index cũng kết thúc Quí I/2024 tăng 4,99% so với cuối năm 2023 lên mức 242,58 điểm.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE chỉ đạt 124.049tỷ đồng, giảm 18,3% so với tuần trước, ở mức trung bình. Một phần nguyên nhân đến từ sự cố chưa có tiền lệ khi Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDRIECT mất kết nối với sở giao dịch trong cả 05 phiên trong tuần.
Trong tuần thị trường chứng khoán biến động trong biên độ hẹp trên vùng hỗ trợ quanh 1.265 điểm và kháng cự quanh 1.295 điểm với mức độ phân hóa mạnh trong từng nhóm ngành, như nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su với DPR (+7,04%), SIP (+4,44%), D2D (+4,26%) thanh khoán gia tăng tốt và các mã chịu áp lực điều chỉnh như IDV (-3,09%), SNZ (-2,27%), KBC (-2,10%) thanh khoản suy giảm khá mạnh.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng phân hóa rất mạnh, tăng giá nổi bật, thanh khoản tăng mạnh như TCB (+5,90%), VPB (+5,05%), LPB (+4,46%), NAB (+3,42%) ngoài BID (-3,87%), MSB (-3,32%), NVB (-1,85%).
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh tương tự, đa số có diễn biến tich cực hơn với rất nhiều mã tăng giá mạnh như VRC (+24,38%), QCG (+23,53%), VPH (+7,48%), NHA (+6,54%).... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản suy giảm khá mạnh với CSC (-3,80%), PXL (-3,45%), CEO (-2,97%).
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch đột biến trong tuần, tiếp tục bán ròng mạnh đột biến với giá trị 4.715,64 tỷ đồng trên HOSE. Đây là đang là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại trên HOSE, mua ròng trên HNX với giá trị 37,45 tỷ đồng.
Chứng khoán tuần qua, thị trường giao dịch tích cực, các mã ngành phân hóa cao. |
Chính sách tuần qua
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets).
Ngày 26/3/2024, giá trị tín phiếu phát hành 3.700 tỷ đồng chỉ bằng khoảng 1/4 so với trung bình những phiên trước đó. Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng gần 156.000 tỷ đồng. Đến ngày 08/04/2024, lô tín phiếu đầu tiên mới đáo hạn. Điều này phần nào giảm áp lực tâm lý đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định nhưng tăng trưởng GDP năm 2023 không đạt mục tiêu dù đà tăng trưởng đang có xu hướng được cải thiện, tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ.
Ngày 26/03/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc gửi các bộ trưởng các bộ liên quan và Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc triển khai Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/07, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch.
Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình đăng ký kinh doanh quý I đã có những dấu hiệu cải thiện so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2024 là 59.848, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nhìn vào tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 724.507 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2019-2024.
Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường khi kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và tăng trưởng thấp đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Pháp, Đức, Hà Lan, Anh.
Điểm tích cực là tình hình lạm phát đã bình ổn và FED đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất đồng thời để ngỏ khả năng khởi động chu kỳ giảm lãi trong năm 2024. Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp.
Giá USD tiếp tục bật tăng mạnh trên thị trường quốc tế trong tuần qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất. Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index tăng 0,98 điểm so với tuần trước, lên mức 104,43 điểm và là mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua.