Câu chuyện nồng độ cồn: Từ quy định đến xây dựng ý thức công dân
Quy định xử phạt hành chính liên quan đến nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã được nêu rõ trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ nhưng chỉ thực sự “nóng” lên khi lực lượng chức năng tăng cường tần suất xử phạt.
Số liệu mới nhất của Bộ Công an cho thấy trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tập trung xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có ngày nghỉ đối với vi phạm này.
Kết quả sau 11 tháng đầu năm 2023 đã xử lý 696.264 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 23% so với tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông, tức là trung bình 1 ngày xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm nồng độ cồn.
Đáng chú ý mức phạt có thể tới 7 triệu đồng với người điều khiển xe máy và hàng chục triệu đồng với người điều khiển xe ô tô. Kèm theo đó là các hình thức bổ sung cũng không hề nhẹ, có thể tạm giữ phương tiện, tạm giữ đăng ký xe, bằng lái.
Con số vụ vi phạm nồng độ cồn lên đến gần 1/4 các vụ vi phạm cho thấy ý thức tham gia giao thông cùng trách nhiệm của người điều khiển xe là rất đáng quan ngại mặc dù mức phạt đưa ra là không kém phần nghiêm khắc.
Nhìn lại những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, bên cạnh những nguyên nhân mang tính sự cố thì con số 23% vi phạm trật tự an toàn giao thông nêu trên có nguyên nhân từ rượu bia, chỉ cần một vài phần trăm của con số này trực tiếp là nguyên nhân gây ra tai nạn thì hậu quả kinh tế, hậu quả xã hội sẽ còn lớn hơn nữa.
Bối cảnh giao thông của Việt Nam đang cần thiết có những điều luật, những chế tài mang tính khắt khe hơn để có thể tạo ra những chuyển biến căn bản, để có thể kéo giảm số vụ vi phạm, số người chết và bị thương và gánh chịu những hậu quả và quan trọng hơn là xây dựng ý thức tự giác của người tham gia giao thông, một ý thức không chỉ để tự bảo vệ mình mà còn bảo vệ cả cộng đồng. Ý thức đó - pháp luật không làm thay được người tham gia giao thông.
An toàn giao thông cần có sự chung tay của cộng đồng. Ảnh minh hoạ |
Ai cũng biết khác với các quy định xử phạt hành chính, một quy định của pháp luật (mà trong đó có điều luật sẽ quy định nồng độ cồn bằng 0) là mang tính bắt buộc các chủ thể liên quan phải tuân theo cho dù trong nhận thức của một vài người là mang tính khắt khe.
Trở lại câu chuyện đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày này liên quan đến việc luật hoá nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông. Có ý kiến cho rằng luật quy định khắt khe, thậm chí là rất khắt khe. Nhưng nhìn lại đời sống kinh tế xã hội nước ta trong những năm gần đây có thể thấy từng có nhiều quy định đầu tiên được đánh giá là quá nặng, thậm chí có người còn cố tình phản đối, cho rằng việc thực hiện những quy định ấy là của người khác, của ai đó chứ không phải là việc của tôi.
Chẳng hạn như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn khi điều khiển xe máy; không ít người nêu lên vô số cái bất tiện rồi ảnh hưởng thẩm mỹ. Nhưng thời gian đã chứng minh hiệu quả không phải bàn cãi của nó trong việc bảo đảm tính mạng của chính chủ xe khi tham gia giao thông.
Gần đây hơn là quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 nếu không có thể bị phạt 2- 3 triệu đồng mới đầu cũng khiến không ít người phản ứng, cố tình không chấp hành. Những cứ liệu dịch tễ học đã chứng minh đó hoàn toàn là giải pháp đúng đắn. Bởi vào lúc cao điểm dịch bệnh, đeo khẩu trang kết hợp với vaccine tiêm chủng đã trở thành “áo giáp an toàn" cho mỗi người và cho cộng đồng.
Xa hơn nữa có thể thấy quy định về việc cấm triệt để đốt pháo nổ vào dịp Tết cũng như mọi thời điểm trong năm có thể xem như một thành công lâu dài với đời sống kinh tế xã hội ở nước ta. Cũng như mọi lần, một quyết định, một chủ trương pháp luật nhân văn này thời điểm ra đời cũng bị phản ứng đến độ “đay nghiến” và một số cá nhân cố tình coi thường khi tiếp tục có hành vi tiếp tay cho việc đốt pháo nổ. Nhưng thực tế cho thấy, khi Tết đến Xuân về cũng như vào những dịp hội hè, hỷ lạt... trên khắp cả nước - việc cấm đốt pháo nổ không hề làm giảm đi niềm vui, sự đầm ấm; trái lại chỉ có sự an toàn, trong lành trọn vẹn cho tất cả mọi người.
Đặt trong không gian, dòng chảy của những quy định khắt khe ấy, câu chuyện về quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông cũng mang một ý nghĩa tương tự. Đây là quy định cần thiết không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài bởi đó xuất phát từ đòi hỏi của việc xây dựng ý thức công dân. Một xã hội phát triển không thể thiếu đi ý thức tự giác của mọi công dân.
Và cũng chính ở xã hội đó, pháp luật phải được thượng tôn.