Căng thẳng tại Trung Đông leo thang tiếp tục đẩy giá dầu tăng cao
Sức nóng khu vực Biển Đỏ đẩy giá dầu tăng trở lại Giá dầu có thể tiếp tục tăng khi căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ |
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,92 % lên 72,68 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,14% lên 78,29 USD/thùng. Trong phiên, giá của hai mặt hàng dầu này đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất năm 2024 lần lượt là 75,25 USD/thùng và 80,72 USD/thùng.
Giá dầu mở cửa gap-up và nhận được lực mua mạnh mẽ sau khi Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự của lực lượng Houthi ở Yemen. Đây là một trong những minh chứng kịch tính nhất từ trước đến nay về sự lan rộng của xung đột Israel - Hamas ở Trung Đông kể từ khi nổ ra vào tháng 10/2023. Điều này đã khiến cho ngày càng nhiều chủ tàu chở dầu tránh xa Biển Đỏ và thay đổi hải trình.
Hiệp hội chủ tàu chở dầu độc lập quốc tế (INTERTANKO) cho biết Lực lượng Hàng hải Liên hợp (CMF), một đối tác hàng hải đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu từ Bahrain, đã cảnh báo tất cả các tàu tránh eo biển Bab al-Mandab ở cuối phía nam Biển Đỏ trong vài ngày. Các tàu chở dầu Toya, Diyyinah-I, Stolt Zulu và Navig8 Pride LHJ đều quay vòng để tránh Biển Đỏ trong khoảng thời gian từ 03:00 - 07:30 GMT ngày thứ Sáu. Năm tàu chở dầu khác, bao gồm Madarah Silver, Hafnia Thames, Free Spirit, Front Fusion và Gamsunoro cũng đã chuyển hướng hoặc tạm dừng điều hướng vào hôm qua.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, nhập khẩu dầu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023, do nhu cầu nhiên liệu phục hồi sau sự sụt giảm do đại dịch gây ra bất chấp những khó khăn về kinh tế. Cụ thể, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 563,99 triệu tấn dầu trong năm 2023, tương đương 11,28 triệu thùng/ngày, tăng 11% so với năm 2022 và mức kỷ lục được ghi nhận trước đó là 10,81 triệu thùng vào năm 2020. Riêng trong tháng 12, nhập khẩu dầu của Trung Quốc đạt 48,36 triệu tấn, tương đương 11,39 thùng/ngày, tăng 13,9% so với tháng 11.
Về phía nguồn cung, hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes báo cáo rằng các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên tuần thứ hai liên tiếp trong tuần kết thúc vào ngày 12/1. Số giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng tương lai, đã giảm 2 giàn xuống 499 giàn. Trong khi đó, những người biểu tình tại Libya đe dọa đóng cửa hai cơ sở dầu khí gần thủ đô Tripoli đã gia hạn thời hạn thêm 24 giờ để đàm phán với các nhà hòa giải. Hai cơ sở này là khu phức hợp Mellitah và nhà máy lọc dầu Zawiya với công suất 120.000 thùng/ngày.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng gần 7% lên mức cao nhất trong 10 tuần trước kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày Martin Luther King. Thời tiết lạnh cực độ dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu khí đốt lên mức cao kỷ lục và cắt giảm nguồn cung khí đốt do giếng đóng băng. Các nhà khí tượng học dự báo thời tiết ở Lower 48 bang sẽ chuyển từ ấm sang lạnh từ ngày 13 - 22/1. LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ tại 48 tiểu bang, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 136,5 tỷ feet khối/ngày (bcfd) trong tuần này lên 160,1 bcfd vào tuần tới khi thời tiết trở lạnh.