Cách nào để loại những "đại gia nổ” trúng đấu giá biển số xe rồi bỏ cọc?
Đưa tiếp gần 300 ngàn biển số ô tô đẹp tại phiên đấu giá thứ hai Đấu giá thành công hơn 5.400 biển số xe với tổng giá trị 754 tỷ đồng |
Liên tục những biển số xe đẹp xuất hiện đại gia trúng đấu giá hàng chục tỷ đồng, báo chí đưa tin rầm rộ… thế nhưng đến hạn họ bỏ cọc, không nộp đủ tiền. Có thể kể tới danh sách những biển số bị bỏ cọc quen thuộc như, biển số 51K-888.88 được chốt mức giá hơn 32 tỷ đồng, 30K-567.89 hơn 13 tỷ đồng, 30K-555.55 hơn 14 tỷ đồng, 98A-666.66 hơn 3 tỷ đồng, 36A-999.99 hơn 7,4 tỷ đồng. Việc tổ chức đấu giá lại những biển số xe chắc chắn sẽ tốn chi phí tiền của, thời gian, nhân lực phê duyệt các cuộc đấu giá.
Không ít "đại gia" nổ trúng đấu giá biển số xe cho sướng rồi bỏ cọc. Ảnh minh họa |
Nhiều người ủng hộ việc đấu giá biển số xe của Nhà nước, nhưng để chính sách này thiết thực hơn và tránh những kẻ bỏ ít tiền ra “nổ” lấy tiếng xong bỏ cọc thì cần chỉnh sửa quy chế đấu giá. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng giá trị đặt cọc theo từng biển số, bất cứ tài sản nào khi mang đấu giá đều phải được định giá và xác định giá sàn bằng hoặc lớn hơn từ giá sàn sẽ quy định tỷ lệ đặt cọc. Từ đó sẽ tránh được những kẻ chấp nhận bỏ mấy chục triệu đồng đánh bóng cho bản thân để bán hàng online hoặc muốn nổi tiếng.
Ngoài ra cũng có ý kiến, người tham gia đấu giá phải ký quỹ, ví dụ đấu giá biển số đẹp 51A-88888, giá khởi điểm nhà nước định giá là 10 tỷ đồng thì những người tham gia đấu giá biển số này phải ký quỹ bằng 40%, tức ký quỹ 4 tỷ đồng. Quỹ này để đảm bảo việc người trúng đấu giá không nộp tiếp phần tiền còn lại thì sẽ sung công quỹ, chi trả cho việc vận hành hệ thống, hồ sơ, tổ chức đấu giá lại,.... Tất nhiên là từ thời gian người nộp tiền ký quỹ vào tài khoản đảm bảo sẽ được tính lãi suất theo lãi suất ngân hàng. Tiền ký quỹ cao sẽ giúp thanh lọc được những người có nhu cầu thật sự mua biển số đẹp.
Còn có ý kiến với cách đơn giản hơn là người trúng đấu giá bỏ cọc thì người trả giá cao thứ 2 được quyền mua lại biển số với giá họ đã đưa ra. Nếu người thứ 2 lại bỏ cọc thì đến người thứ 3, thứ 4. Cứ như vậy đến khi có người mua thì thôi. Còn tiền cọc của những người đã bỏ thì có 2 phương án giải quyết, 1 là sung vào công quỹ, 2 là chuyển cho người trúng đấu giá trừ vào số tiền mà họ đã trả. Ví dụ họ trả 1 tỷ đồng đứng vị trí thứ 6, năm người trước bỏ cọc tổng số tiền là 200 triệu thì người thứ 6 chỉ cần trả thêm 800 triệu là được biển số. Nhà nước vẫn thu đủ được số tiền đấu giá là 1 tỷ đồng như người thứ 6 đồng ý bỏ ra.
>>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!