Buôn lậu và gian lận thương mại đường: Vẫn phức tạp, nhiều mánh khóe
|
Buôn bán đường lậu phức tạp
Tổng hợp thông tin từ các lực lượng chức năng chống buôn lậu, ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký VSSA cho biết, hiện nay, tiêu thụ đường lậu và gian lận thương mại đã lan tràn khắp cả nước, địa bàn nhập lậu đã mở rộng từ An Giang Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Quảng Trị, thậm chí qua vùng cảng biển các tỉnh phía Bắc.
Tại địa bàn tỉnh An Giang, do có sông biên giới, đường lậu từ phía Campuchia được đưa xuống ghe vận chuyển sang Việt Nam tập kết tại các xã Khánh Bình (huyện An Phú), Vĩnh Xương (huyện Tân Châu), Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), sau đó bốc lên xe tải, sà lan cả trăm tấn để vận chuyển về các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, phân phối.
Tại Tây Ninh, đường lậu vận chuyển bằng xe máy đi qua các đường mòn, lối mở từ Campuchia sang huyện Châu Thành, qua vùng mía nguyên liệu của Công ty Thành Thành Công… về tập kết ở chợ Hòa Bình để phân phối, tiêu thụ.
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, một số đầu nậu tiếp nhận đường lậu rồi nhanh chóng phân phối đi các cửa hàng và các tỉnh miền Đông. VSSA nhận định, hệ thống các cửa hàng, cơ sở buôn bán đường lậu tại một số quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh vẫn có dấu hiệu hoạt động mạnh.
Tại một số chợ ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Đông Hà (Quảng Trị), tỷ lệ đường lậu tiêu thụ có thể lên đến trên 50%. Thậm chí, tại Đà Nẵng, đường lậu có thời điểm bày bán công khai nguyên bao nhãn mác đường Thái Lan. Tại Lao Bảo (Quảng Trị) cũng tương tự, có thời điểm việc vận chuyển, sang bao, đóng gói đường lậu thực hiện công khai cả ban ngày.
Ở các khu vực biên giới đường bộ trọng điểm về buôn lậu đường, đường lậu được ngụy trang che giấu bên dưới các hàng hóa khác, hoặc trong xe container, xe khách… đi qua cửa khẩu, sau đó vận chuyển đến các địa bàn tiêu thụ. VSSA cho biết, theo phương thức này, đường lậu đã xuất hiện tại các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Vĩnh Phúc....
Đa dạng hình thức gian lận
Ngoài buôn bán, vận chuyển trái phép đường lậu, tình trạng gian lận trong kinh doanh đường cũng diễn ra dưới nhiều hình thức. Theo VSSA, các đối tượng có thể dùng bao bì, nhãn mác của các nhà máy đường trong nước rồi sang chiết hợp thức hóa tiêu thụ đường không có hóa đơn, chứng từ. Hoặc nếu có chứng từ nguồn gốc là các hóa đơn bán hàng của nhà máy đường trong nước nhưng sử dụng quay vòng nhiều lần, có trường hợp sử dụng hóa đơn đã 3 năm để hợp thức hóa đường lậu nhằm qua mặt cơ quan chức năng nhưng bị phát hiện. Bằng cách này, một hóa đơn mua với số lượng không nhiều quay vòng trót lọt có thể “giải cứu” cho rất nhiều lần đường lậu vận chuyển trái phép.
Các hình thức gian lận khác là dùng chứng từ mua đường lậu bán đấu giá của cơ quan chức năng địa phương để quay vòng giải cứu đường lậu. Tại một số địa phương, đã có nhiều lần giá đấu giá đường lậu bị bắt được mua cao hơn cả giá thị trường, mục đích chính là để lấy chứng từ. Hoặc dùng chứng từ nhập khẩu của một số công ty nhập khẩu đường chính thức trong và ngoài hạn ngạch thuế quan để báo xuất xứ hàng hóa. Mới đây, lực lượng chức năng ở An Giang đã bắt giữ một lô đường lậu dùng chứng từ của Công ty TNHH Quốc tế Phước Thắng nhập khẩu đường cuối năm 2016 tại TP. Hồ Chí Minh.
Trường hợp khác, Công ty TNHH Tài Phát tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình còn gian lận bằng cách công khai dán tem nhập khẩu với đường lậu để bán ra thị trường ở Đà Nẵng vào tháng 4/2017. Tại Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang xuất hiện kiểu gian lận bằng cách đăng ký kinh doanh với chức năng có sản xuất, chế biến đường nhưng không có nhà máy, không có nguyên liệu đầu vào, các đơn vị này in bao bì PP 50 kg, túi PE 0,5 kg, 1 kg rồi đóng đường lậu vào cung cấp ra thị trường.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn xuất hiện việc lợi dụng quy định thực phẩm đóng túi được đăng ký, phần lớn là dạng đường túi đóng gói thủ công 12 kg (được gọi là đường cây 12 kg). Theo cách này, các cơ sở thương mại đóng đường lậu vào và chỉ cần đóng dấu nhãn là xem như hợp lệ, có thể bày bán công khai tại các chợ, thậm chí người bán có thể xuất hóa đơn hợp lệ.
Một biến tướng gian lận khác gần đây là xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất đường phèn ở khu vực biên giới An Giang - Campuchia (gần cửa khẩu Vĩnh Xương và sâu trong nội địa), dùng nguyên liệu đường hoàn toàn nhập lậu, nhưng khi bị kiểm tra thì khai báo là nguồn gốc đường từ các nhà máy trong nước, hoặc mua từ nguồn đường lậu bị bắt bán đấu giá.
Theo VSSA, kể từ năm 2010 đến nay, ước tính năm cao nhất lượng đường lậu vào Việt Nam có thể lên đến 500.000 tấn. Đường lậu chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan do nước này có chính sách hỗ trợ xuất khẩu và sản xuất trong nước nên giá đường của họ luôn rẻ hơn so với giá bán đường trong nước của Việt Nam. |