Mụn do stress, căng thẳng, lo lắng: Làm sao khắc phục?
Ứng phó với stress trong cuộc sống hiện đại Công bố nghiên cứu mang tính đột phá: Ngăn chặn stress có thể hỗ trợ điều trị bệnh ung thư Những nguy hiểm do stress gây ra với người mắc bệnh tiểu đường? |
Lý giải cho tình trạng nổi mụn vì căng thẳng
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, Mỹ, cho rằng người bị căng thẳng thường có xu hướng tìm đến thói quen xấu như ăn đồ ăn vặt, ngủ không đủ giấc, lười vận động, khiến da xấu đi.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Da liễu Mỹ (AAD), căng thẳng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều hormone androgen, kích thích các tuyến dầu và nang lông, dẫn đến mụn. Tình trạng tâm lý này cũng có thể gia tăng hormone cortisol, khiến mụn thêm trầm trọng.
Tuy vậy, cơ chế mụn do stress vẫn cần nghiên cứu thêm. Mụn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở thanh thiếu niên. Mụn cũng có thể bắt đầu hoặc tiếp tục ở tuổi trưởng thành. Mụn phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới do sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai hoặc mãn kinh.
Nổi mụn vì căng thẳng. Ảnh internet |
Biểu hiện mụn do stress đầu tiên thường gặp dưới dạng sẩn đỏ, xuất hiện các mụn nhỏ trên da, sờ vào có thể cảm nhận nốt sần dưới da. Đôi khi có biểu hiện mụn nước trên da, có thể ngứa hoặc không ngứa (tùy cơ địa mỗi người), thường tập trung vùng trán, hai góc hàm.
Tiếp theo sẽ hình thành các mụn viêm do ngứa gãi hoặc nặn mụn. Khi bị stress, khả năng đề kháng của da giảm nên vi khuẩn ngoài môi trường tấn công. Các mụn viêm thường xuất hiện rải rác trên da, không xuất hiện từng đám như mụn trứng cá thông thường.
Trước tình trạng này, cần phải làm gì?
Sau khi đi ngoài đường về nên rửa mặt sạch. Ảnh internet |
Để trị mụn, điều đầu tiên cần làm là phải giảm stress. Sau khi vệ sinh da mặt, giảm tình trạng stress mà mụn không giảm thì cần đến sự từ vấn, điều trị của bác sĩ. Thuốc điều trị mụn thường được kết hợp với thuốc bôi ngoài da. Nếu không điều trị, mụn sẽ kéo dài, không dứt điểm. Một vài lưu ý khi chăm sóc da bị mụn bạn cần biết:
- Rửa mặt hai lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối với sữa rửa mặt phù hợp. Sau khi đi ngoài đường về nên rửa mặt sạch.
- Không nên sờ chạm nhiều vào vùng da bị mụn, nặn mụn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng viêm mụn mủ, dẫn đến sẹo rỗ, sẹo thâm sau lành mụn.
- Sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài, vì một số loại thuốc điều trị mụn có thể khiến da dễ cháy nắng.
- Hạn chế trang điểm, chọn mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc tóc không chứa dầu.
- Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, tránh uống rượu và cafein, uống nhiều nước.
- Thực hiện các bài tập thư giãn: hít thở sâu, ngồi thiền… trò chuyện với người thân, bạn bè để giải tỏa tâm lý, áp lực.
Tóm lại, căng thẳng và stress có thể ảnh hưởng đến sức kháng tự nhiên của cơ thể, làm cho tình trạng da dễ bị mụn hơn. Để giảm nguy cơ mụn do căng thẳng, stress, cần duy trì một lối sống lành mạnh, ứng phó tốt với stress và chăm sóc da đúng cách.