Bất động sản công nghiệp tiếp tục dẫn đầu sự phục hồi
Điểm sáng thị trường bất động sản công nghiệp trong năm 2023 Điểm sáng với bất động sản công nghiệp |
Năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam hứng chịu hai cú sốc liên tiếp: Tắc nghẽn dòng tiền và thử thách niềm tin. Năm 2023, thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn nhiều trở ngại trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu kéo dài cùng những biến động trong nước chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng nhờ sự quan tâm liên tục từ các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và năng lượng, như một số tên tuổi lớn Apple, Quanta, Samsung và LG với những khoản đầu tư vào Việt Nam lên tới hàng tỷ USD trong thời gian tới.
Đơn cử như, mới đây Goertek – một trong những đối tác lớn nhất của Apple – đã ký kết biên bản ghi nhớ thuê lại 62,7ha tại Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh (Bắc Ninh). Một đối tác sản xuất linh kiện lớn khác của Apple là Foxconn cũng ký hợp đồng thuê khu đất 45ha tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với giá 62,5 triệu USD nhằm mở rộng sản xuất. Hợp đồng thuê kéo dài đến tháng 2/2057.
Tương tự, Samsung có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Tập đoàn Hàn Quốc này còn dự định sản xuất các sản phẩm công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam.
Bất động sản công nghiệp (nhà máy, kho bãi, hậu cần) được dự báo sôi động nhất tại thị trường Việt Nam năm 2023 |
Mới đây, công ty chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ Amkor Technology cho biết sẽ sớm mở một nhà máy ở khu vực phía Bắc. Pegatron – công ty sản xuất linh kiện cho hãng xe điện Tesla và lắp ráp iPhone của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đưa nhà máy ở Quảng Ninh đi vào hoạt động.
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc (EV) BYD Auto Co có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để sản xuất phụ tùng ô tô nhằm giảm sự phụ thuộc của công ty vào Trung Quốc và tăng thêm chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á như một phần của chiến lược mở rộng toàn cầu.
Trong năm 2022, Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) và ESR đã hợp tác thành lập liên doanh trị giá 600 triệu USD. Năm nay, ESR tiếp tục mua cổ phần của BW Industrial - công ty bất động sản công nghiệp và logistics lớn nhất tại Việt Nam.
Theo ông Vũ Minh Chí - Quản lý cấp cao Dịch vụ Công nghiệp Colliers Việt Nam, là tài sản phòng thủ được đánh giá cao, bất động sản công nghiệp (nhà máy, kho bãi, hậu cần) được dự báo sôi động nhất tại thị trường Việt Nam năm nay. “Quỹ đất để phát triển công nghiệp ở Việt Nam không thiếu, nhưng việc tìm kiếm khu đất phù hợp cho nhà đầu tư cũng như quá trình thiết lập hoạt động lại là một câu chuyện khác”, ông Vũ Minh Chí nêu vấn đề.
Một trong những lý do cầu vượt cung là nguồn cung đất cho thuê trong khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư về vị trí, diện tích, hạ tầng đi kèm, thời hạn thuê. Kể cả khi đã có quy hoạch hay chủ trương đầu tư, nhiều dự án bị vướng ở thủ tục đất đai (bồi thường, giải phóng mặt bằng) làm kéo dài thời gian xây dựng cũng như chi phí tuân thủ pháp lý.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất đến từ những thị trường phát triển ngày càng quan tâm hơn đến hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp và các tiêu chí về phát triển bền vững: hạ tầng kỹ thuật, xử lý phát thải, khu dân cư, nhà ở cho công nhân & chuyên gia…
Ông Vũ Minh Chí cho rằng, vấn đề cấp phép, chính sách ưu đãi đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ pháp lý khác cũng được nhà đầu tư đặc biệt lưu tâm. “Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, các chiến dịch “trải thảm” đón nhà đầu tư cần đi vào giải pháp cụ thể, hành động thực tiễn từ địa phương, tạo điều kiện sẵn sàng để họ rót vốn nhanh và triển khai hiệu quả nhất có thể. Như vậy, giá thuê và các chi phí thiết lập ban đầu họ bỏ ra mới xứng đáng", – ông Chí nhận định.
Trong khi đó, ông David Jackson- Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, đánh giá, dư địa phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ lợi thế vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào, chi phí hợp lý, nhiều ưu đãi trong thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đồng thời, tiềm năng tăng giá tương lai là rất hấp dẫn, với mức tăng bình quân khoảng 7 - 10%/năm. Cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các nước lân cận sang Việt Nam và sự phát triển của thương mại điện tử, nhu cầu phát triển các cơ sở hậu cần (logistics), trung tâm dữ liệu và kho lạnh dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.