Bạo lực học đường "bùng nổ": Có thể tạm giam giữ, phạt lao động công ích học sinh đánh bạn?
Đâu là "liều thuốc đặc trị" giải quyết " căn bệnh" bạo lực học đường? Bạo lực học đường trách nhiệm chính thuộc về gia đình |
Bạo lực học đường là một vấn nạn xã hội phức tạp, nhức nhối và dai dẳng. Nhiều giải pháp đã được đề ra và thực thi nhưng bạo lực học đường dường như vẫn là căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa dứt điểm.
Thuốc đắng mới giã được tật
Chia sẻ với Báo Công Thương, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, nhận định nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do ở độ tuổi này, các em học sinh chưa kiềm chế được cảm xúc nhất thời của bản thân, dễ dàng nóng vội, giận dữ.
Đặc biệt, các em chưa nhận thức được việc làm của mình là vi phạm đạo đức, pháp luật và chưa thấy được trách nhiệm của mình với bạn bè, gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay, mạng xã hội phát triển càng khiến sự việc phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường là một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều giải pháp và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm nhà trường, gia đình, cộng đồng, xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam |
Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, trước hết nhà trường và gia đình cần tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong việc giáo dục con em (dạy trẻ về giá trị sống, kỹ năng sống, biết yêu thương, chia sẻ, khoan dung, có kỹ năng đàm phán, giải quyết vấn đề…) và đặc biệt cho học sinh tự chịu trách nhiệm về các hànhh vi của mình. Như vậy sẽ không xảy ra tình trạng bạo lực học đường, thực hiện một cách bột phát.
Thứ hai, việc giúp học sinh thấy được trách nhiệm của mình với xã hội, với pháp luật cần phải cải tiến. Hiện nay, chúng ta coi trọng phương pháp giáo dục là đúng nhưng chưa cho các em học sinh thấy được trách nhiệm khi mình thực hiện hành vi sai trái về đạo đức và pháp luật. Nếu chỉ đơn thuần bắt học sinh kiểm điểm, tạm nghỉ học 2 tuần là chưa đủ sức răn đe, các em sẽ coi thường, rút kinh nghiệm suông, chưa thấy được trách nhiệm, tác hại mình gây ra. Minh chứng là vấn nạn bạo lực học đường vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí là bùng nổ. Do đó, các cơ quan quản lý, hành chính và pháp luật phải đưa ra những hình thức mạnh mẽ hơn như: Tạm giam giữ, lao động công ích… thì các em mới nhận thức được.
Thứ ba, gia đình cần chịu trách nhiệm về hành vi của con cái, có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử phạt các gia đình có con tham gia vào bạo lực học đường.
"Những giải pháp mới, quyết liệt sẽ góp phần giảm thiểu tối đa vấn nạn bạo lực học đường, mang lại môi trường giáo dục tích cực, lành mạnh cho các em học sinh", ông Lâm nhấn mạnh.
Tuyệt đối không im lặng, thoả hiệp
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, để giải quyết dứt điểm nạn bạo lực học đường cần thẳng thắn nhìn nhận, tuyệt đối không im lặng, thoả hiệp. Việc sẵn sàng đối diện, không chấp nhận thoả hiệp là rất quan trọng để đảm bảo không có hành vi bạo lực nào trong nhà trường được chấp nhận hoặc bị bỏ qua. Thái độ này giúp xây dựng một môi trường mà mọi hành vi bạo lực đều bị xem xét và xử lý một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường nhận thức về vấn đề bạo lực học đường và hậu quả tâm lý mà nạn nhân phải đối mặt. Bao gồm nâng cao khả năng nhận biết và ứng phó với bạo lực học đường, tư vấn tâm lý cho học sinh bị bạo lực và đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh về cách hiểu và đối phó với tình huống bạo lực trong nhà trường.
Những học sinh đã và đang phải đối mặt với bạo lực học đường cũng cần được khuyến khích để chia sẻ trải nghiệm của họ. Học sinh cần biết cách chia sẻ các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường với thầy cô, cha mẹ hoặc người tin tưởng, để tìm cách tháo gỡ, giải quyết.
Đã đến lúc tình trạng bạo lực học đường phải được dừng lại - Ảnh minh họa |
"Nhà trường cần triển khai ngay công tác tư vấn tâm lý học đường tập trung, giáo dục kỹ năng và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đồng thời, thực hiện can thiệp tâm lý cho nhóm đối tượng bị tổn thương tâm lý do bạo lực học đường, nhằm hỗ trợ các em một cách toàn diện", một chuyên gia tâm lý học đường nhấn mạnh.
Có thể thấy, các vụ bạo lực học đường đang diễn ra với tình trạng đáng báo động, cả về quy mô lẫn tính chất. Chưa hết, các em tham gia các vụ việc với độ tuổi còn rất trẻ, chỉ vừa mới bước chân vào vào bậc học trung học cơ sở.
Dường như việc đánh bạn học trong trường học là điều hiển nhiên, để thể hiện bản lĩnh “anh chị đại”. Không những vậy, những học sinh chứng kiến còn dễ dàng sử dụng điện thoại cá nhân ghi lại clip bạo lực và đăng tải trên mạng xã hội thay vì can ngăn.
Dù được đề cập nhiều tại các cuộc họp, chất vấn trong Quốc hội nhưng trên thực tế, bạo lực học đường vẫn tiếp diễn. Điều này chứng tỏ các biện pháp hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe và thay đổi nhận thức đối với học sinh.