Ngành cơ khí từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Bài 3: Giải pháp nào cho ngành cơ khí, công nghiệp ô tô Việt Nam?
Bài 1: Từng bước tự chủ về cơ khí chế tạo Bài 2: Vai trò của ngành cơ khí trong phát triển công nghiệp ô tô |
Ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã làm được những gì?
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, ngành cơ khí Việt Nam là ngành không những góp phần giảm giá thành đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công nghiệp đặc biệt là các công trình/dự án trọng điểm. Giá thành các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất với chất lượng tương đương nước ngoài nhưng giá thành luôn thấp hơn từ 10-30%, đồng thời làm đối trọng đối với các sản phẩm của nước ngoài, các công trình trong nước không còn bị “ép giá” của các đối tác nước ngoài trong quá trình đàm phán, đấu thầu.
“Đơn cử như thiết bị thủy công do Viện Nghiên cứu cơ khí chế tạo cung cấp cho dự án Thủy điện Sơn La và Lai Châu giá thành chỉ tương đương 90% sản phẩm nhập khẩu, không những thế do tự chủ về công nghệ đã góp phần rút ngắn thời gian phát điện thương mại gần 2 năm. Với tổng giá trị đầu tư khoảng 6 tỷ USD, việc hoàn thành dự án sớm đã tiết kiệm lãi vay ngân hàng xấp xỉ 900 triệu USD, đồng thời nhờ phát điện sớm 2 năm, doanh thu tiền bán điện do phát sớm của một năm cũng hơn 1 tỷ USD, chưa kể nguồn cung điện tăng đã thúc đẩy sản xuất phát triển”, ông Sáng nhấn mạnh.
Trong khi đó với ngành công nghiệp ô tô, dựa trên thống kê từ hệ thống Cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và tham vấn các chuyên gia, danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã ghi nhận con số 58, trong đó có 12 nhà cung cấp thuần Việt với tổng số sản phẩm, linh kiện đạt tỉ lệ 30-40% (Tập trung chủ yếu trong nhóm hơn 1.000 mã linh kiện, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị kinh tế cao như: linh kiện ngoại thất, nội thất, sắt xi, hệ thống điện… theo cách tính công thức giá trị gia tăng của ASEAN).
Dây chuyền lắp ráp với công nghệ hàn hiện đại của Nhà máy ô tô VEAM |
Linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy được đánh giá là tương đối phát triển với năng lực cung ứng đạt mức cao. Do dung lượng thị trường lớn, các doanh nghiệp lắp ráp FDI tại Việt Nam đã kêu gọi được nhiều nhà cung ứng FDI đầu tư theo và xây dựng được quan hệ hợp tác với các nhà cung ứng trong nước. Tương tự ngành xe máy, công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho máy móc nông nghiệp, máy động lực và máy xây dựng tương đối phát triển ở Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa khá cao.
Công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy được đánh giá là tương đối phát triển với năng lực cung ứng đạt mức cao |
Công nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí cho ngành ô tô, thiết bị đồng bộ và công nghiệp công nghệ cao hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần tổng số 70% giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Giải pháp nào cho ngành cơ khí, công nghiệp ô tô??
Mặc dù đã có những bước tiến nhanh và đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên theo các chuyên gia đánh giá, ngành cơ khí Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế; số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt, rõ nét dấu ấn Việt Nam vẫn chưa nhiều; cơ chế đấu thầu trong các công trình trọng điểm, lớn của địa phương, ngành, đất nước chưa có chính sách ưu tiên cho các sản phẩm cơ khí trong nước; chính sách thuế VAT đối với sản phẩm cơ khí nông nghiệp và chính sách nhập khẩu sản phẩm máy nông nghiệp qua sử dụng; … đang là rào cản cho ngành cơ khí trong nước.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng vẫn coi cơ khí Việt Nam chỉ là sản phẩm phụ trợ. Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
Nhìn tổng thể ngành cơ khí, ông Nguyễn Khắc Hải – Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhận định, cơ khí chế tạo là công nghiệp nền tảng. Công nghiệp hóa không thể không có cơ khí. Phát triển một ngành chế tạo nào đó phụ thuộc vào chính thị trường của sản phẩm đó. Ví dụ, khi có thị trường xe máy hơn 3 triệu xe máy/năm, thì tự nhiên sẽ hình thành chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp chế tạo linh kiện sẽ có điều kiện đầu tư phát triển. Quy mô sản xuất sẽ quyết định hiệu quả sản xuất và khả năng đầu tư sản xuất (economies of scale). Ngoài thị trường trong nước, còn có thị trường xuất khẩu.
Thị trường sẽ quyết định quy mô sản xuất và khả năng đầu tư sản xuất |
Như vậy, để thúc đẩy sản xuất cơ khí, yếu tố chính là thị trường. Một sản phẩm nào muốn phát triển phải khuyến khích tiêu dùng. Gánh nặng thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và phí khác, thậm chí thuế, phí chồng lên thuế làm giá bán sản phẩm cao thì không thúc đẩy được thị trường. Đối với sản phẩm xuất khẩu thì các hiệp định thương mại tự do là điều kiện để sản phẩm của Việt Nam có thể đi ra thế giới và cạnh tranh ở quy mô thị trường rộng lớn hơn.
Ở một khía cạnh khác, TS Phan Đăng Phong cho rằng: "Để ngành cơ khí Việt Nam có thể tự chủ được, quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải đủ lực lượng để sẵn sàng tham gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Đây là yếu tố then chốt và quan trọng để doanh nghiệp có thể tự chủ, tự cường".
Ông Phong đưa ra dẫn chứng, chúng ta mua một dự án chúng ta bỏ tiền ra mua thiết kế cơ sở, mua thiết kế chi tiết là rất dễ nhưng mà chúng ta làm sao “tiêu hóa” được những thiết kế đó, để dự án tiếp theo chúng ta không phải mua nữa và chúng ta phải tự làm được đấy là vấn đề quan trọng. Muốn như vậy các doanh nghiệp phải chuẩn bị lực lượng để thực hiện việc đó.
Đối với ngành công nghiệp ô tô, ông Hà Thế Dũng – Nguyên Giám đốc Công ty CP Cơ khí Phổ Yên (FOMECO) - cho biết, yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu và doanh nghiệp nước ngoài vượt quá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước; yêu cầu của khách hàng càng ngày càng khắt khe, không chỉ về giá cả, công nghệ, chất lượng, giao hàng mà còn cả yêu cầu về trách nhiệm xã hội liên quan đến an toàn, môi trường, điều kiện lao động…
Sản xuất linh kiện ô tô, xe máy tại DISOCO |
“Hiện chúng ta đang bị động về các vật liệu cơ bản. Các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô như thép chế tạo, nhựa, cao su và chất dẻo... chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Đơn cử câu chuyện về chiếc đinh vít, nguyên nhân chính không phải nằm ở năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam mà do năng lực luyện kim để cho ra sản phẩm thượng nguồn đạt chuẩn”, ông Hà Thế Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, còn thiếu các doanh nghiệp tiên phong đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành công nghiệp hỗ trợ .
Ngoài ra, cần phát triển trung tâm nghiên cứu, kiểm thử hiện đại. Điều này sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô nâng cao năng lực thiết kế, phát triển nhanh và đa dạng sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, đầu tư phần mềm thiết kế và các thiết bị thử nghiệm hiện đại. Đi kèm với đó là hệ thống quản trị sản xuấ txây dựng trên nền tảng số hóa, áp dụng sản xuất thông minh…
Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất ô tô bằng các chính sách hỗ trợ về thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất có công nghệ cao, tỉ lệ nội địa hóa lớn. Cần có những chính sách khuyến khích phát triển công nghệ hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng theo tiêu chuẩn quốc tế và ưu tiên đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối logistics đa phương thức như đường bộ, đường biển, cảng, dịch vụ cảng; Tỉ lệ nội địa hóa sẽ tỉ lệ thuận với hỗ trợ từ phía nhà nước, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư; Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân thúc đẩy thị trường.
Trên cơ sở đó có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại, cân nhắc một số giải pháp khác để phát triển thị trường…
Tuy nhiên, những sự điều chỉnh ngày càng phù hợp về khung chính sách thúc đẩy cho sự phát triển của ngành, cùng với những chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, rào cản để tiếp cận những đơn hàng đòi hỏi yêu cầu cao về các đặc tính kỹ thuật – công nghệ từ các nhà mua lớn, thu hẹp khoảng cách về công nghệ nội sinh đưa doanh nghiệp Việt hòa nhập sâu hơn vào sân chơi công nghệ cao này.