Thu ngân sách nhà nước phải tương xứng với tăng trưởng kinh tế
Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 43% dự toán, ước trên 640.200 tỷ đồng Tổng thu Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 865.350 tỷ đồng |
Rà soát, bãi bỏ các chế độ, chính sách chồng chéo, trùng lặp
Theo Bộ Tài chính, 4 năm qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và có nhiều sáng kiến, sáng tạo, toàn ngành tài chính đã vượt thu ngân sách. Nếu như năm 2021 thu ngân sách nhà nước vượt gần 15%, đến năm 2022 thu ngân sách nhà nước đã vượt 26,4%.
Năm 2023, thu ngân sách nhà nước vượt hơn 8% với số tiền tương đương là hơn 131 nghìn tỷ đồng phân bổ cho các dự án đầu tư.
Tiếp đà năng, tính đến nửa tháng 7, thu ngân sách nhà nước đã đạt 68,5% dự toán, tăng khoảng 15% so với năm 2023.
Tính đến nửa tháng 7, thu ngân sách nhà nước đã đạt 68,5% dự toán, tăng khoảng 15% so với năm 2023. Ảnh minh hoạ |
Trên cơ sở đảm bảo việc lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 sát, đúng và chính xác, đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần đánh giá lại việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 2024 và dự báo 6 tháng cuối năm.
"Trong nửa cuối năm 2024, các đơn vị, địa phương phấn đấu để đảm bảo đạt và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước đã đề ra" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành tài chính phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán được giao, từ đó có nguồn để thực hiện các nhiệm vụ trong dự toán và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Đánh giá về mức tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, theo Bộ trưởng, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt khoảng 6,5%, dự kiến cả năm đạt trên 6,5%. Với kết quả này, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 có thể khoảng 6,5%. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị công tác thu ngân sách nhà nước cũng cần phải tương xứng với tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, đối với công tác xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và cho 3 năm tới vô cùng quan trọng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương dự toán được các nguồn thu- chi; dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để khi lập dự toán phải sát, đúng với thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) khi xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu, thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.
"Các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát lồng ghép, bãi bỏ các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả" - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước nói.
Ngoài ra, chỉ đề xuất ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cân đối được nguồn thực hiện; dự kiến đầy đủ nhu cầu ngân sách nhà nước theo phân cấp thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Đặc biệt, bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi ngân sách nhà nước đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Không bố trí dự toán chi cho các chính sách, chế độ chưa ban hành.
Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Để tổ chức thực hiện tốt công tác lập và giao dự toán thu ngân sách năm 2025, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế sẽ chỉ đạo các Cục thuế bám sát để nắm bắt những nguồn thu mới, các dự án hết thời gian ưu đãi, những nguồn thu phát sinh… trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó tổ chức lập và giao dự toán cho các đơn vị sát với khả năng thu theo thực tế tại từng địa bàn.
Đồng thời, ngành Thuế sẽ triển khai thực hiện các chính sách để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; cũng như thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu theo chức năng quản lý thuế; nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 phải bám sát theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các mục tiêu theo các Nghị quyết của Trung ương. Bên cạnh đó, cần phải đến các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định nhằm lập dự toán một cách chính xác, đúng quy định.
Đối với các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương khẩn trương lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định. Các chương trình, đề án, nhiệm vụ khác thì địa phương gửi cho cơ quan chủ quản để tổng hợp theo đúng quy định.
Về xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ trưởng lưu ý các địa phương phải đảm bảo tính tích cực, thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản mới phát sinh trên địa bàn, tính đúng tính đủ nguồn thu ngân sách. Đặc biệt các khoản thu như: Thu tiền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, các khoản thu khác, địa phương cần tính toán các nguồn thu tiềm năng để đưa vào dự toán, phấn đấu thu ngân sách tăng từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024.
Đối với xây dựng dự toán chi cân đối ngân sách năm 2025, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia và số bổ sung phân bổ ngân sách Trung ương cho địa phương như năm 2024. Trong đó, cần xây dựng cơ sở dự toán chi ngân sách địa phương trên cơ sở dự toán thu được hưởng theo phân cấp và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, đảm bảo ưu tiên đủ dự toán chi nhu cầu thực hiện các dự án, nhiệm vụ và chế độ chính sách đã ban hành… Đồng thời, đảm bảo ưu tiên đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện cho dự án, nhiệm vụ được ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người và bảo đảm an sinh xã hội.