8 điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm
Kinh tế Việt Nam đã quay lại xu thế tăng trưởng Kinh tế Việt Nam: Giải bài toán tăng trưởng giữa bối cảnh bất định Kinh tế lập nhiều kỷ lục mới, cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm? |
Theo báo cáo về kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo cả năm do TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố, kinh tế Việt Nam trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng bất chấp kinh tế thế giới còn phục hồi chậm và không đồng đều. Ở kịch bản cơ sở, Nhóm chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5%
Cụ thể báo cáo đã ghi nhận 8 điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024:
Một là, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về hoàn thiện thể chế, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tháo gỡ rào cản thể chế, trong đó có Nghị quyết cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với dự kiến khi ban đầu).
Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị, các bộ ngành ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các Luật đã được thông qua (nhất là Luật khám chữa bệnh 2023, Luật đấu thầu 2023, Luật giá 2023, Luật giao dịch điện tử 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Tổ chức tín dụng 2024…) để kịp thời giải quyết các tồn đọng, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội….
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua 11 luật (trong đó có một số luật đáng lưu ý như Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật Thủ đô sửa đổi…) và Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP. Đà Nẵng và Nghệ An. Cùng với đó, nhiều nghị quyết, giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính, y tế, du lịch, điện năng… cũng đã được ban hành và tích cực triển khai.
Kinh tế Việt Nam trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng bất chấp kinh tế thế giới còn phục hồi chậm và không đồng đều. Ảnh minh hoạ |
Về chính sách tài khóa, Quốc hội, Chính phủ đã quyết nghị nhiều chính sách, gói hỗ trợ tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, lệ phí năm 2024…với tổng giá trị danh nghĩa khoảng 185.000 tỷ đồng, tương đương giảm thu Ngân hàng Nhà nước 68.000 tỷ đồng (gần bằng những năm dịch Covid-19).
Chính sách tiền tệ cũng đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều quyết sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Hai là, GDP quý 2 ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01. Các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu đều tăng tích cực.
Về phía cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7% (tăng mạnh từ mức giảm -15,2% của 6 tháng/2023 và cao hơn mức tăng 9% của 6 tháng/2019), cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,6 tỷ USD. Về phía cung, khu vực nông nghiệp tăng 3,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51% (trong đó công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,7%); dịch vụ tăng 6,64%, cao hơn so với mức nền thấp của cùng kỳ 6 tháng/2023.
Ba là, xem xét cụ thể một số động lực tăng trưởng truyền thống cho thấy đà phục hồi khá đồng đều. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5% (từ mức giảm -11,3% trong 6 tháng đầu năm 2023, cao hơn mức tăng 7,2% của 6 tháng/2019), nhờ đà phục hồi của nhu cầu thế giới, nhất là tại các đối tác lớn của Việt Nam (xuất khẩu sang Mỹ tăng 22,1% sang EU tăng 14,1%, ASEAN tăng 12,9%...). Cán cân thương mại thặng dư 11,63 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.
Thu hút và giải ngân FDI tiếp tục khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Kết quả khả quan này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và cơ hội đến từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam.
Tiêu dùng tiếp tục đà phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng/2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh (8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, mức tăng doanh thu bán lẻ vẫn thấp hơn 6 tháng/2023 (11,3%) và mức trước dịch (6 tháng/2019 tăng 10,8%).
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7% (tăng mạnh từ mức giảm -15,2% của 6 tháng/2023 và cao hơn mức tăng 9% của 6 tháng/2019). Ảnh minh hoạ |
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ. Chỉ số PMI sản xuất đạt 54,7 điểm trong tháng 6/2024, tăng mạnh so với mức 50,3 điểm của tháng 5/2024 và mức 50,5 điểm của tháng 6/2023 và mức 52,5 điểm của tháng 6/2019, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022 nhờ sự cải thiện tích cực của đơn hàng mới, xuất khẩu và niềm tin kinh doanh.
Bốn là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát dù giá cả đầu vào tăng (chỉ số giá sản xuất công nghiệp - PPI tăng 0,25%, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023) và áp lực cầu kéo tăng dần (tín dụng hết 6 tháng đầu năm ước tăng 5,2% so với đầu năm, vòng quay tiền ở mức 0,65 lần (tương đương mức 0,64 lần cả năm 2023).
CPI bình quân 6 tháng/2024 tăng 4,08% và lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,75% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 6 tháng/2023 (4,74%). Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn, nhất là khi giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ sở, y tế, giáo dục, điện…) dự báo còn tăng theo lộ trình.
Năm là, mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng phục hồi: lãi suất tiền gửi tăng 0,5-1% từ đầu năm đến nay nhưng lãi suất cho vay cơ bản ổn định. Tín dụng dự báo cả năm tăng 13-14%, phù hợp với diễn biến vĩ mô, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang dần phục hồi.
Sáu là, thu ngân sách nhà nước tăng khá cùng với đà phục hồi của sản xuất, tiêu dùng. Thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.021 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm, tăng 15,7%; chi ngân sách Nhà nước giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Bảy là, công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngành, vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hoặc 2050 của nhiều vùng, địa phương, ngành; kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII đã được ban hành; công nghệ 5G đã thử nghiệm thành công, các dự án sân bay, cao tốc được đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
Tám là, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga…; việc tích cực tham gia nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024, Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2024…tiếp tục góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch thời gian tới.
Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm và cả năm 2024 Về tăng trưởng GDP: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5% (kịch bản cơ sở), đạt cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5-6,7% (kịch bản tích cực). Trong đó, tăng lương cơ sở có thể khiến GDP tăng thêm 0,3-0,5 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,2-0,3 điểm % trong năm 2024 và có thể cao hơn trong năm 2025-2026. |