Xuất nhập khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử: Thúc đẩy thương mại gắn liền quản lý chặt chẽ
Bán hàng trên sàn thương mại điện tử doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế Đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử |
Tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử đòi hỏi cơ chế chính sách quản lý của các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi phù hợp.
“Kênh” xuất nhập khẩu hàng hóa phổ biển
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xuất khẩu Việt Nam dự tính tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kì vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.
Theo ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba.com khu vực châu Á- Thái Bình Dương, thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, có thể thấy rằng hàng hoá của Việt Nam đang đứng hàng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới. Ngày càng nhiều đối tác mua hàng ngoại quốc sẵn sàng coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để thu mua. Sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng, thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang ở mức KA (nhà xuất khẩu có hạng sao cao), điều này thể hiện xu hướng đầu tư theo chiều sâu ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thương mại điện tử.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại điện tử trở thành điểm nhấn nổi bật trong bức tranh thương mại của Việt Nam năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Có thể thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển và được coi là hướng đi hữu hiệu cho doanh nghiệp để thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử phát triển là vậy, song hiện vẫn chưa có chính sách riêng về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua hình thức này.
Tạo hành lang pháp lý minh bạch
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, theo pháp luật hiện hành, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử hay giao dịch theo phương thức truyền thống đều áp dụng chính sách, thủ tục hải quan như nhau và không có sự phân biệt. Vì vậy, thực tế hiện nay cơ quan quản lý đang gặp phải một số vướng mắc về hồ sơ hải quan, chính sách quản lý chuyên ngành cũng như khó khăn trong công tác phòng, chống buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đơn cử như người mua hàng không nộp hoặc xuất trình được chứng từ liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan để xác định trị giá hải quan theo đúng giá mua thực tế và tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (vì người mua thường thanh toán qua các thẻ ghi nợ, ví điện tử,…). Số lượng các lô hàng trị giá thấp tăng nhanh nhưng cơ quan Hải quan chưa có cơ sở phân loại hàng hóa theo nhóm, thông tin trước về hàng hóa để áp dụng giải pháp kỹ thuật hiện đại trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan theo nguyên tắc quản lý rủi ro, điều này làm chậm quá trình thông quan hàng hóa và giảm tính cạnh tranh trong hoạt động thương mại điện tử với các nước, nhất là đối với hàng hóa xuất khẩu.
Hơn nữa, đối với các cá nhân mua hàng số lượng nhỏ phục vụ mục đích cá nhân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo quy định trong khi hầu hết thủ tục cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan quy định về hồ sơ thì chỉ có tổ chức thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa mới có thể có đủ hồ sơ, năng lực để thực hiện. Thực tế hình thành nên một bộ phận thực hiện việc mua hộ hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại bán hàng và vận chuyển số hàng hóa này về Việt Nam theo các con đường không chính thống gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với các hành vi gian lận thương mại.
Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đặt ra yêu cầu các quốc gia phải có thay đổi về phương thức quản lý nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển nhưng vẫn đảm bảo việc kiểm soát hàng hóa, thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Từ thực tiễn cũng như thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tích cực xây dựng, lấy ý kiến các bên liên quan, hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định Quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Trong đó quy định riêng về hệ thống xử lý dữ liệu hải quan về thương mại điện tử; thủ tục cung cấp thông tin giao dịch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua thương mại điện tử; kiểm tra, quản lý chuyên ngành, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử...
Với việc có chính sách riêng dành cho hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, minh bạch về chính sách quản lý, thủ tục hải quan điện tử tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử; đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính; góp phần phát triển thương mại điện tử.