Xuất nhập khẩu "bắt nhịp" tăng trưởng, Việt Nam xuất siêu sang EU gần 24 tỷ USD
Hàng hóa tân trang nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định CPTPP cần tuân thủ điều kiện gì? Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10: Xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh |
Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) (8/2020-8/2023), Hiệp định thương mại tự do (FTA) này đã góp phần đáng kể vào cải thiện tăng trưởng thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với EU.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - EU đã đạt 48,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 36,2 tỷ USD, giảm 8,9%, nhập khẩu từ EU 12,6 tỷ USD, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ, xuất siêu sang thị trường này đạt 23,7 tỷ USD, giảm 12,4%.
Các chuyên gia cho rằng, EVFTA được đánh giá là FTA thế hệ mới, được các ngành hàng tận dụng tốt nhất trong ngay năm đầu thực thi. EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới. Các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính, mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.
Dệt may là một trong lĩnh vực chịu tác động của các chính sách phát triển bền vững từ EU - Ảnh: VGP |
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: EVFTA tạo điều kiện để xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU giai đoạn 2012 - 2022 có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu đạt 10,5%/năm, nhập khẩu đạt 6,4%/năm.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020 - 2022, sau khi EVFTA thực thi, xuất khẩu sang EU phục hồi từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên mức tăng trưởng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.
Ngoài ra, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, sau 3 năm thực hiện Hiệp định EVFTA, tác động của FTA này đối với kinh tế Việt Nam thể hiện rõ qua hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU27 đạt 62,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 46,8 tỷ USD tăng 16,8%, với 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 15,4 tỷ USD giảm 8,7%. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 27 khoảng 31,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 35,2% so với 2021. Cũng nhờ đáp ứng quy tắc xuất xứ, Việt Nam có khoảng 12,2 tỷ USD hàng hóa được cấp C/O để hưởng ưu đãi thuế quan, chiếm tỷ lệ gần 26% tổng kim ngạch hàng hóa xuất sang EU.
Dù vậy, xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU thời gian tới dự báo sẽ gặp thách thức lớn hơn do phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như lạm phát, đà tăng trưởng chậm của kinh tế EU này, cũng như xu hướng cắt giảm tiêu dùng gia tăng… Đặc biệt, thách thức lớn hơn khi thị trường này đưa ra nhiều quy định khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững.
Thực tế có thể thấy, những thay đổi và các quy định mới sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, hiện EU đã áp dụng ngày càng chặt chẽ hơn các quy định về xanh và bền vững, vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần tìm hiểu kỹ thông tin và có kế hoạch phát triển thị trường một cách bài bản...
Còn theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), yếu tố phát triển bền vững cũng sẽ giúp nâng tầm giá trị và cũng giúp định hướng xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu.
Để thực thi EVFTA hiệu quả, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết EVFTA điều này đã thể hiện rõ vai trò quan trọng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU cũng luôn gắn liền với các hoạt động, nhiệm vụ của Bộ Công Thường. Theo ông Thành, thời gian tới, để doanh nghiệp tận dụng EVFTA tốt hơn, cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU nhiều hơn, không chỉ Bộ Công Thương mà các Bộ ngành khác cần chung tay, đồng hành xây dựng, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi.
"Đặc biệt, cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phù hợp, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh trên "sân chơi" kinh tế thế giới một cách cụ thể, thiết thực và phù hợp" - TS. Võ Trí Thành cho hay.