Xuất khẩu tôm Việt sang Trung Quốc: Tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tiềm năng
Xuất khẩu tôm dự kiến đạt 3,4 tỷ USD Hai tháng đầu năm, xuất khẩu tôm hùm tăng gấp 18 lần Lấy lại đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm |
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến nửa đầu tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 295 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số lũy kế vẫn tăng nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4, sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đà tăng trưởng đang chậm lại do giá tôm cao và cạnh tranh gay gắt từ các thị trường khác. Dự báo xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sẽ giảm trong 4 tháng tới do giá tôm Việt Nam cao, khó cạnh tranh với các nguồn cung đối thủ và nguồn cung nội địa của Trung Quốc. Nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc lại giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại, người dân nước này đang thắt chặt chi tiêu.
Đà tăng trưởng đang chậm lại do giá tôm cao và cạnh tranh gay gắt từ các thị trường khác. Ảnh: VietnamNews |
VASEP cũng dự đoán, từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay, tôm từ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ không tăng, thậm chí giảm vì nước này có thể sẽ tập trung tăng mua sản lượng từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia (vốn là các thị trường bị áp thuế chống phá giá cao ở thị trường Mỹ).
VASEP cho rằng, dự kiến nhu cầu về nhập khẩu tôm của Trung Quốc sẽ tăng trở lại từ quý III/2024 để phục vụ giai đoạn Lễ Quốc khánh và Tết Trung thu (từ ngày 17/9 – 7/10).
Với những lợi thế như sắc đỏ tươi sau chế biến, phù hợp với thị hiếu người sử dụng, tôm Việt Nam vẫn được yêu thích. Trong khi đó, tôm Ecuador lại có màu đỏ nhạt do nuôi trong ao đất. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có nhu cầu cao với tôm cỡ nhỏ, phù hợp với khả năng cung ứng của thị trường tôm Việt trong khi tại các nước khác không thể cung cấp được số lượng nhiều.
Hiện nay, ngành tôm Việt đang đối mặt với những khó khăn cả ở trong nước lẫn thị trường ngoài nước. Ngành tôm đang phải đối mặt với vấn đề dịch bệnh, cụ thể là bệnh mờ đục trắng gan TPD. Theo VASEP, nếu vấn đề này chưa được khắc phục sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm, khi vấn đề dịch bệnh và giá thấp có thể khiến người nuôi bỏ ao nhiều.
Thêm nữa, giá xuất khẩu tôm sang các thị trường đang ở mức thấp, cạnh tranh lớn với Ecuador, Ấn Độ. Trong đó, mặc dù ngành tôm của Ecuador gặp nhiều khó khăn năm 2024 nhưng quốc gia này vẫn tăng xuất khẩu và tràn vào các thị trường, bao gồm Nhật Bản, Australia, EU (các thị trường mà tôm Ecuador kém cạnh tranh). Hiện Ecuador đã có thị phần lớn tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc.
Để duy trì đà tăng trưởng, ngành cần tập trung vào một số giải pháp như: Nâng cao năng suất và chất lượng tôm, đa dạng hóa thêm thị trường xuất khẩu, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Với những nỗ lực chung của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, ngành tôm Việt Nam có thể vượt qua khó khăn và tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.