Xuất hiện lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, dòng tiền rẻ chờ chực chảy về đâu?
Hôm nay (25/12), thị trường chứng kiến một ngân hàng Big4 công bố giảm lãi suất huy động xuống mức thấp chưa từng có, chỉ còn 1,9%/năm cho kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm so với lần cập nhật trước.
"Lá cờ đầu" hăng hái giảm lãi suất tiết kiệm đang được nhắc đến là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank. Không chỉ riêng kỳ hạn 1 và 2 tháng, Vietcombank đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 11 tháng, theo biểu lãi suất huy động trực tuyến ngày đầu tuần.
Lãi suất huy động giảm sâu trong năm 2023 trước động thái điều chỉnh, ghìm lãi suất điều hành mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đủ không gian và dư địa thực hiện |
Nhỉnh hơn chút, với kỳ hạn 3 - 5 tháng, Vietcombank trả lãi suất cho khách hàng ở mức 2,2%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng là 3,2%/năm. Đối với tiền gửi các kỳ hạn dài từ 12 đến 24 tháng, ngân hàng giữ nguyên mức chi trả 4,8%/năm - cũng là mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank ở thời điểm hiện tại.
Sau lần điều chỉnh này, vẫn chưa có cái tên nào vượt qua Vietcombank trong bảng xếp hạng ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất toàn thị trường.
Nhìn chung, theo thống kê, tính đến đầu tháng 12/2023 đến nay, bình quân lãi suất huy động các kỳ hạn ở nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục giảm, với tốc độ giảm phổ biến từ 0,1 - 0,5% so với tháng trước xuống mức khoảng 5,1%/năm.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 12 tháng hiện nay là 5,7%/năm (PVcomBank, HDBank), cao hơn đáng kể so với Vietcombank (4,8%/năm).
Đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 1 tháng là 4,3%/năm, được áp dụng tại OceanBank. Tiếp theo là Ngân hàng NCB với lãi suất tiết kiệm 1 tháng lên tới 4,25%/năm.
Các mức lãi suất tiết kiệm nói trên đều dành cho tiền gửi của khách hàng cá nhân, lĩnh lãi cuối kỳ và có tính biến động. Các ngân hàng đều có những chính sách lãi suất riêng áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, tuỳ thuộc vào giá trị tiền gửi.
Ngoài ra, chính sách của ngân hàng cũng đang ưu tiên hơn cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, có thể hưởng mức lãi suất cao hơn so với gửi trực tiếp tại quầy từ 0,2 - 0,3%. Chẳng hạn, với kỳ hạn 1 tháng khi gửi tiết kiệm online, lãi suất ngân hàng cao nhất hiện nay là 4,4% được niêm yết bởi ngân hàng Bảo Việt.
Dòng tiền rẻ chảy về đâu?
Lãi suất huy động giảm sâu trong năm 2023 trước động thái điều chỉnh, ghìm lãi suất điều hành mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đủ không gian và dư địa thực hiện.
Đây chính là lực đẩy kích thích dòng tiền chảy vào những lĩnh vực khác của nền kinh tế thay vì "nằm im" bất động trong nhà băng. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022.
Còn đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9/2023, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỷ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Nếu gửi tiền tiết kiệm không còn là phương án tối ưu để người dân gia tăng tài sản tích lũy, như thường lệ, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng... sẽ là nơi cư trú mới của dòng tiền rẻ. Song, giữa bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang thiếu ổn định, tồn tại nhiều rủi ro, niềm tin có lẽ là vấn đề trọng yếu ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của nhân dân.
Theo thống kê, đến cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề cơ bản nhất vẫn là vướng mắc pháp lý, bởi quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa thống nhất.
“Nếu giải quyết được pháp lý thì nguồn cung nhà ở đưa ra thị trường sẽ tăng lên, giá sẽ giảm xuống, tạo điều kiện cho nhiều người có thể tiếp cận được nhà ở”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay là khó khăn chung của thế giới. Thời gian qua không phải là khủng hoảng mà thị trường có những điều chỉnh cần thiết.
Ông Lực nhấn mạnh về sự chủ động của doanh nghiệp bất động sản, họ phải tự đẩy mạnh tái cơ cấu về hoạt động, sản phẩm, dự án để kích thích sức cầu. Đồng thời, định vị lại hướng đi để thích ứng với thị trường sau giai đoạn khó khăn.
Vị chuyên gia cũng nhận định, giải quyết vấn đề vốn cũng chưa phải là yếu tố thúc đẩy ngay thị trường khởi sắc trở lại: “Tiếp cận vốn chỉ là một trong sáu yếu tố tác động đến khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. Các yếu tố khác là liên quan đến cung cầu, rồi giá của thị trường cũng đã và đang được điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn”.