Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Tăng cường thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi tiêu
Thúc đẩy triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi
Ngày 15/12/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. Đồng thời việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà các-bon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi |
Để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện khí (khí khai thác trong nước và LNG) và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hoạt động cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty khí Việt Nam, Tổng công ty điện lực Dầu khí khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các dự án cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trước ngày 20 tháng 12 năm 2023; giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về các cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Tăng cường thu ngân sách nhà nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 15/12/2023 về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Công điện gửi Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, hành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu hơn nữa NSNN. Cụ thể, rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu... Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Ngoài tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiết kiệm chi NSNN, chủ động điều hành ngân sách nhà nước.
Tăng cường thu ngân sách, tiết kiệm chi tiêu |
Loạt ngân hàng lớn giảm sâu lãi suất, thấp nhất chỉ còn 2,2%/năm
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày 13/12 đã giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng từ mức 5,3%/năm xuống còn 5%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm mạnh từ 3%/năm xuống còn 2,6%/năm. Còn đối với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất giảm từ 3,3%/năm xuống còn 3%/năm; kỳ hạn từ 6-9 tháng giảm từ 4,3%/năm xuống còn 4%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất tại 3 ngân hàng này hiện là 5,3%/năm và chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 24 tháng.
Ngoài ra, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiết kiệm vừa tiếp tục giảm thêm 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất tiền gửi 1 - 2 tháng tại Vietcombank xuống mức thấp kỷ lục, chỉ 2,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 2,5%/năm. Tương tự, tiền gửi kỳ hạn 6 - 9 tháng, Vietcombank áp dụng lãi suất 3,5%/năm. Còn đối với tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank giữ nguyên lãi suất 4,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất niêm yết lại ngân hàng này.
Kể từ đầu tháng 12 đến nay, nhiều ngân hàng cũng giảm lãi suất như: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)...
Nguồn vốn đệm của các ngân hàng tại EU cao kỷ lục
Trong báo cáo thường niên trong một năm tính đến tháng 6/2023 công bố ngày 12/12, Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) cho biết tỷ lệ vốn chủ sở hữu cấp 1 trung bình ở mức cao kỷ lục là 16%, trong lúc lĩnh vực ngân hàng biến động hồi tháng 3/2023, đặc biệt là tại Mỹ.
Theo EBA, khoản thanh toán cổ tức và mua lại cổ phiếu ở mức kỷ lục trong năm 2022, khi các ngân hàng chi gần 63 tỷ euro (67,9 tỷ USD) cho các cổ đông, tăng từ mức 48 tỷ euro đã dự kiến vào đầu năm đó.
Tuy nhiên, EBA cho rằng giai đoạn thuận lợi nhất có thể đã qua, khi hoạt động cho vay chậm lại do lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và chất lượng tài sản.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 ở mức 6%
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay (13/12), ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Ngân hàng này cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 là 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%. Sự phục hồi yếu hơn dự kiến do nhu cầu từ bên ngoài suy giảm sẽ tiếp tục cản trở tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ; cũng như làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước.
Các chuyên gia của ADB cũng khuyến nghị, chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ thận trọng và chủ động bởi việc các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát hiệu quả của giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, giúp cho việc kiểm soát tình hình lạm phát. Vì vậy, ADB dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% trong năm 2023 và 4% vào năm 2024.