Xín Mần - Hà Giang: Phát triển thương hiệu gạo tẻ Già Dui
Thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Hà Giang: Thúc đẩy mở mới cửa khẩu, chợ biên giới Việt - Trung |
Gạo tẻ Già Dui là một trong các sản vật có nguồn gốc từ thiên nhiên được xếp vào hàng đặc sản của tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, để bảo tồn và phát triển thương hiệu gạo tẻ Già Dui, huyện Xín Mần đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đưa sản phẩm giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; mở các quầy hàng giới thiệu, trưng bày các sản phẩm đặc trưng… Huyện cũng chủ động liên kết với Công ty Gia Long (thị trấn Cốc Pài) và Công ty Tây Bắc (Hà Nội) để hợp tác tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đây là nền tảng để quảng bá, nâng cao giá trị gạo tẻ Già Dui, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương.
Lúa Già Dui được trồng chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang |
Thôn Lùng Cháng, huyện Xín Mần được xem là vùng lõi của giống lúa Già Dui. Thôn có hơn 100 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng. Từ bao đời nay, cây lúa Già Dui đã gắn liền với đời sống của người dân Lùng Cháng. Bởi theo người dân địa phương, mặc dù có nhiều nơi trồng lúa Già Dui nhưng chất lượng không bằng lúa trồng tại thôn Lùng Cháng. Nguyên nhân có thể do điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở Lùng Cháng thích hợp với giống lúa này. Ngoài ra, phương thức canh tác hoàn toàn hữu cơ và sử dụng nguồn nước tự nhiên từ trong núi để phục vụ gieo cấy cũng tạo sự khác biệt của gạo tẻ Già Dui Lùng Cháng.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua, huyện Xín Mần đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chế biến gạo Già Dui. Lúa Già Dui được đồng bào gieo trồng theo quy trình hữu cơ nên sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng gạo sau thu hoạch đạt độ đồng đều cao, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, lúa được trồng chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang có độ cao từ 1.000 m - 1.200 m so với mực nước biển và nơi sẵn có nguồn nước được dẫn ra từ trong núi. Do vậy, giá bán gạo tẻ Già Dui cao gấp gần 2 lần so với các loại gạo tẻ nội địa khác.
Gạo Già Dui – đặc sản của đồng bào dân tộc Hà Giang |
Thời gian qua, để hỗ trợ đồng bào dân tộc vùng trồng lúa Già Dui, huyện Xín Mần đã tiến hành xây dựng, lắp đặt ống nước, tu sửa hệ thống kênh mương để cung cấp đủ nước và đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác. Tích cực tạo đầu mối liên kết trong công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, kết nối doanh nghiệp thu mua, quảng bá thương hiệu gạo tẻ Già Dui.
Đặc biệt, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo tẻ Già Dui Xín Mần. Sau khi bà con thu hoạch xong, Hợp tác xã toàn thôn Lùng Cháng tiến hành thu mua và xử lý đúng quy trình bảo quản, đóng gói; trên bao bì có logo, tem nhãn và mã vạch đầy đủ để cung cấp ra thị trường.
Cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát huy giá trị thương hiệu gạo đặc sản của địa phương, huyện Xín Mần đang thực hiện mô hình cánh đồng mẫu theo phương pháp “5 cùng” đối với giống lúa Già Dui để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp phục tráng giống lúa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chế biến.
Gạo Già Dui Xín Mần chứa hàm lượng dinh dưỡng cao |
Để bảo tồn và phát triển đặc sản gạo Già Dui, nhiều năm nay, huyện Xín Mần đã phối hợp với Viện Khoa học nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc tiến hành tổ chức phục tráng và thuần hóa giống lúa Già Dui. Theo đó, mỗi năm Viện dự kiến đưa vào trồng khoảng 15ha lúa Già Dui với phương pháp trồng hữu cơ. Kết quả cho thấy, cây lúa gieo trồng theo quy trình hữu cơ sinh trưởng và phát triển tốt; chất lượng gạo cũng được nâng lên, hạt gạo to, sáng và mẩy hơn. Ngoài ra, Viện cũng hỗ trợ Hợp tác xã toàn thôn Lùng Cháng công tác in ấn bao bì, nhãn mác, đóng gói sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đến Xín Mần hôm nay, thấy những bông lúa vàng trĩu nặng trên những thủa ruộng bậc thang báo hiệu vụ mùa bội thu trên vùng đất Thèn Phàng, tôi tin rằng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng khởi sắc.
Xín Mần là huyện miền núi của tỉnh Hà Giang. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc Kinh, Nùng, Mông, Hoa và một số những nhóm dân tộc ít người biết đến như La Chí, Phù Lá… |