Vẻ đẹp tự nhiên trong trang phục truyền thống của dân tộc M'nông
Nét trang trọng trong trang phục truyền thống phụ nữ Nùng Dín Trang phục đẹp mê hồn của các tín đồ thời trang Việt ngày mát mẻ |
Màu sắc trong trang phục truyền thống của dân tộc M'nông được đồng bào sử dụng gồm các màu chủ đạo là đen, đỏ, vàng, tím, trắng, xanh... Đồng bào M’nông thường chọn nền vải là màu đen, tượng trưng cho màu đất. Màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu. Màu xanh tượng trưng cho màu của trời, sông núi, màu vàng tượng trưng cho sự hài hòa, mơ ước, khát vọng trong cuộc sống.
Vẻ đẹp tự nhiên trong trang phục truyền thống của dân tộc M’nông |
Để có những sắc màu mang vẻ đẹp tự nhiên trong trang phục truyền thống đồng bào M’nông thường khai thác một số loại thảo mộc để chế biến thuốc nhuộm. Trong đó màu đen lấy từ cây trum, màu đỏ lấy từ cây ôn, màu xanh lấy từ cây n’hiăng, màu nâu lấy từ cây ryol, màu vàng lấy từ củ nghệ… Quá trình làm ra một bộ trang phục truyền thống của đồng bào M’nông, từ việc cán bông, kéo sợi, dệt, nhuộm vải, đặc biệt là khâu trang trí hoa văn họa tiết, cần rất nhiều thời gian và công sức.
Trang phục phụ nữ dân tộc M'nông vừa có vẻ đẹp dịu dàng lại vừa khỏe khoắn |
Hoa văn trong trang phục của dân tộc M’nông không chỉ thể hiện nghệ thuật đặc sắc riêng biệt mà còn thể hiện những quan niệm tâm linh, tâm tư, tình cảm, cũng như những ước vọng về một cuộc sống an bình hòa thuận với thiên nhiên… Hoa văn mang các hình tượng như mặt trời, hạt lúa, hình người, hình thú… sẽ giúp cho trang phục vừa giữ được nét đẹp truyền thống lại hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên.
Áo phụ nữ thường là cổ tròn chui đầu |
Theo truyền thống, trang phục của phụ nữ M’nông gồm váy và áo được phối hợp với nhau, giúp người mặc vừa có vẻ đẹp dịu dàng nhưng trông vẫn khỏe khoắn và nhanh nhẹn. Để may áo, cần một tấm thổ cẩm dài khoảng 3m. Sau khi bớt lại một phần làm ống tay, phần còn lại dài khoảng 1,5m để làm thân áo. Phần này được gấp đôi theo chiều dọc sao cho thân sau dài hơn thân trước. Tại chỗ gập đôi, một lỗ lượn tròn được khoét nghiêng về thân trước để chui đầu.
Nét đặc trưng của chiếc váy là màu xanh lá nổi bật và rất thuận tiện trong lao động sản xuất |
Váy trong trang phục truyền thống phụ nữ M’nông thường có hai loại. Với những phụ nữ không đeo vòng chân thì mặc váy dài đến gót chân còn những ai đeo vòng chân thì mặc váy dài qua đầu gồi. Nét đặc trưng của chiếc váy là màu xanh lá nổi bật, chiếm diện tích lớn trên nền màu chàm đen. Theo quan niệm của người M’nông, màu xanh là màu của núi rừng, sông suối, đất trời, tượng trưng cho nguồn sống, sức mạnh của thiên nhiên. Bố cục màu sắc trên chiếc váy thấy rõ một đường băng mảng màu xanh lớn và hai đường băng nhỏ màu xanh theo kiểu đăng đối. Giữa màu xanh như màu lá rừng xôn xao ấy là những mô típ hoa văn mang nhiều ý nghĩa, biểu tượng khác nhau. Để giữ cho váy chặt, nơi lưng váy có buộc dây thắt lưng bằng đồng, gắn những lục lạc nhỏ xen kẽ với những bông hoa bằng bạc.
Phụ nữ M’nông còn rất chú ý tới việc phối hợp trang phục với đồ trang sức |
Thường trang phục truyền thống, phụ nữ M’nông còn chú ý tới việc phối hợp với đồ trang sức. Họ thường đeo khuyên tai bằng gỗ hoặc bằng bạc, phía dưới treo một đôi hoa bằng đồng hoặc bằng vàng bạc và dưới cùng treo vài chiếc lục lạc nhỏ. Ngoài ra, các vòng cổ, vòng tay hạt cườm, nhẫn bạc, đồng hay bằng sừng trâu cũng được phụ nữ M’nông rất ưa thích.
Trang phục truyền thống của đàn ông M’nông |
Trong khi đó, trang phục của nam giới M’nông thường ngày gồm có khố và áo dài. Chiếc áo của nam giới M’nông có cổ tròn, hoặc trái tim thân bằng vai và mở xuống một đoạn của ngực áo được đính khuy và khuyết. Áo hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước một chút, hoa văn được trang trí trên đường viền áo. Khố được quấn gọn gàng ngang thắt lưng, phần tua dải trước và sau dài 30-50cm. Tuy nhiên, để thuận tiện cho công việc lao động hang ngày, đàn ông M’nông thường mặc quần xà lỏn và áo ngắn tay. Vào những dịp lễ hội, già làng, chủ lễ, thầy cúng mặc áo khố hoa, nhóm đánh chiêng mặc khố hoa cởi trần, những phụ nữ tham gia biểu diễn mặc váy hoa và áo cộc tay để tiện đánh chiêng, múa hát.
Khố của đàn ông được quấn gọn gàng ngang thắt lưng |
Trước sự giao thoa về văn hóa cũng như sự tác động của kinh tế thị trường đồng bào M’nông ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ, chính vì vậy ngày nay trang phục truyền thống của người M’nông sử dụng chủ yếu trong các dịp lễ hội, tổ chức nghi lễ truyền thống hay đón tiếp khách quý của gia đình.
Trang phục truyền thống của người M’nông sử dụng chủ yếu trong các dịp lễ hội |
Để bảo tồn và phát huy bản sắc trang phục truyền thống dân tộc M’nông, chính quyền các địa nơi có đồng bào M’nông ở cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào, đặc biệt là thế hệ trẻ. Xây dựng một số mô hình bảo tồn, đưa trang phục truyền thống vào trường học, phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch.